Ngôi làng tự cách ly ngăn đại dịch
Jnewsvn.com – Làng Eyam xinh đẹp nép mình bên những ngọn đồi quận Derbyshire, nước Anh, từng nổi tiếng với nghề làm nông và khai thác chì. Ngày nay, Eyam là nơi sinh sống của khoảng 900 cư dân, mỗi ngày họ di chuyển đến các thành phố Manchester và Sheffield để làm việc. Dù xa xôi, nhưng họ luôn gắn bó với ngôi làng thơ mộng của mình: những ngôi nhà cổ kính, trang viên cũ, ngôi giáo đường được xây dựng từ thế kỷ 17… nhưng đây không phải điều duy nhất thu hút du khách về Eyam.
Cách trung tâm Eyam nửa dặm là chứng tích đặc biệt của lịch sử: một bức tường gồ ghề, lổ chổ bị bào mòn theo thời gian, minh chứng cho một bi kịch, đồng thời là ca khúc khải hoàn của dân làng Eyam.
Năm 1666, dân làng Eyam đã đưa ra một quyết định chưa từng có: tự cô lập mình khỏi các khu vực còn lại của Derbyshire trong đợt bùng phát cuối cùng của trận đại dịch, dũng cảm ngăn chặn thành công cơn đại dịch lan tràn khắp nước Anh.
Đại dịch giết một nửa dân số nước Anh
Năm 1665, dịch hạch tấn công lục địa Anh và lan rộng một cách nghiêm trọng từ London đến Stepney, Shoreditch, Clerkenwell, Cripplegate, Westminster…
Những ngôi nhà bị niêm phong, các cánh cửa được đánh dấu bằng chữ thập với dòng chữ: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!”. Đường phố im ắng một cách đáng sợ vào ban ngày, nhưng ban đêm lại hoạt động liên tục khi các xác chết được thu gom trên những chiếc xe đẩy đem đến các hố chôn tập thể được đào khắp thành phố…
Đầu hè năm 1665, ngay cả nhà vua và chính phủ của ông cũng tháo chạy, bỏ lại người dân quằn quại trong dịch bệnh, đói nghèo, ô nhiễm… Theo thống kê, hàng trăm ngàn – khoảng một nửa nửa dân số nước Anh lúc bấy giờ đã chết.
Dịch bệnh lan đến Eyam rồi… dừng lại
Trước khi dịch bệnh xảy ra, làng Eyam vốn thịnh vượng, trù phú, là nơi sinh sống của 344 cư dân. Năm 1665, một doanh nhân địa phương nhiễm bệnh sau khi trở về từ London – nạn nhân đầu tiên – tiếp theo là cả gia đình ông; thêm 6 dân làng nữa trong 3 tuần; rồi đến 42 người… Cái chết lặng lẽ phủ trùm lên ngôi làng nhỏ.
Dân làng hoảng sợ bàn nhau bỏ làng ra đi. Thế nhưng một vị Linh mục và một Mục sư của nhà thờ địa phương – ông William Mompesson và Thomas Stanley – khuyên can dân làng hãy ở lại. “Sao quý vị có thể biết được ngoài kia không có dịch bệnh? Nếu đã bị lây nhiễm, cho dù chạy đi đâu quý vị cũng sẽ chết, lại còn mang mầm bệnh gieo rắc khắp nơi. Cả làng hãy ở lại cùng nhau cầu nguyện, chiến đấu với dịch bệnh và phó thác cho Chúa, vì sự sống chết của chúng ta tùy thuộc vào Chúa…”.
Cả làng Eyam quyết định ở lại tự cách ly mình, đồng lòng ở lại chống chọi với dịch bệnh.
Mompesson và Stanley cùng dân làng xây một bức tường đá, nhằm ngăn không ai yếu lòng muốn vượt ra ngoài.
Để không bị đói, họ thỏa thuận với thương nhân các thị trấn gần đó mang hàng hóa, thuốc men để dọc theo ranh giới ngôi làng, và dân làng trả tiền bằng các đồng xu được ngâm trong giấm để khử trùng rồi nhét vào các hốc đá của bức tường.
Suốt mùa hè cho đến đầu tháng 11/1666, cái chết diễn ra hàng ngày, 260/344 người đã bỏ mạng, chỉ còn lại 33 người, hầu hết là những thanh thiếu niên trẻ, khỏe.
Những người sống sót sau đó vẫn tiếp tục cuộc sống mới của mình tại Eyam, để rồi lịch sử và hậu thế sau này vẫn nhắc về sự hy sinh của dân làng Eyam, nhờ đó, đại dịch đã bị chặn đứng, không thể lan rộng ra thêm, cứu sống một nửa dân số còn lại của cả nước Anh.
Đỗ Hoàng dịch; Jnews edited
(Nguồn: historycollection.co; Ảnh: Let’s go Peak District, Wiki, Lisa Vining, )