Tìm thấy Em-ma-út, nơi Đức Chúa Jesus xuất hiện sau khi phục sinh?
Jnewsvn.com – Các nhà khảo cổ tin rằng họ đã phát hiện ra thị trấn Emmaus/Em-ma-út, nơi Đức Chúa Jesus lần đầu tiên xuất hiện sau khi Ngài phục sinh.
Theo báo cáo, từ năm 2017, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một bức tường khổng lồ, cổ kính, một pháo đài thời Hy Lạp có thể được xây dựng bởi vị tướng Seleucid, người đã đánh bại nhà lãnh đạo Do Thái nổi tiếng trong câu chuyện Hanukkah.
Địa danh trong Kinh Thánh Kiriath Yearim/Ki-li-át Giê-a-rim giờ là ngọn đồi nhìn ra con đường dẫn đến thành Jerusalem, được đề cập nhiều lần trong Cựu Ước, được cho là địa điểm đặt Hòm Giao ước nhiều thập kỷ trước khi được vua David/Đa-vít đưa đến Jerusalem (1 Samuel/I Sa-mu-ên 7).
Phát hiện này – các nhà nghiên cứu cho biết – có thể giúp xác định vị trí của thị trấn Emmaus, được chép trong sách Lu-ca, rằng 2 sứ đồ đang trên đường đến Emmaus thì gặp Chúa Jesus xuất hiện lần đầu tiên sau khi Ngài từ cõi chết sống lại.
Theo Kinh Thánh tường thuật, 2 môn đồ đi bộ từ thành Jerusalem đến Emmaus, giữa đường họ gặp Chúa và Ngài đi cùng họ, lắng nghe họ nói, giảng giải Kinh Thánh cho họ… Tuy nhiên, họ không nhận ra đó là Chúa.
Đến Emmaus, Chúa muốn đi nữa nhưng có lẽ 2 sứ đồ mệt nên muốn dừng lại, và mời Ngài cùng ăn tối. Chúa chấp nhận ở lại với họ. Màn đêm buông xuống. Khi Chúa cầm chén lên chúc tạ rồi bẻ bánh ra. Mắt của họ được mở ra, và họ nhận ra Đó là Đức Chúa Jesus, nhưng Ngài liền biến mất.
Theo sách Tin Lành Lu-ca, “Em-ma-út cách thành Jerusalem sáu mươi ếch-ta-đơ” – tức khoảng 7 dặm. Các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu Kinh Thánh đại học Tel Aviv (Israel) và đại học Thomas Römer (Pháp) cho rằng ngọn đồi Kiriath Yearim và thị trấn liền kề Abu Gosh có thể được xác định là thị trấn Emmaus trong Kinh Thánh.
Theo sách Maccabees/The books of Macabees, một số thành phố quanh Jerusalem, nơi tướng Hy Lạp Bacchides xây pháo đài. Các thị trấn đó gồm Emmaus, Beth Horon, Bethel, Timnath, Pirathon, Tephon và Jericho.
“Về mặt địa lý, tôi nghĩ khoảng cách từ Emmaus đến Jerusalem rất phù hợp, vì vậy tôi nghĩ Kiriath Yearim rất có thể là Emmaus của Tân Ước” – ông Römer nói.
Nhưng Giáo sư Benjamin Isaac – ĐH Tel Aviv – thận trọng: “Giả thuyết vẫn là giả thuyết”. Ông lưu ý: “Chưa đủ bằng chứng thuyết phục nhất để kết luận”, vì rằng “Có ít nhất 2 địa chỉ khác gần đó cũng rất có thể là Emmaus”.
Nhà sử học Eusebius từ thế kỷ thứ 2-3 đã xác định Emmaus Nicopolis – một thị trấn Byzantine ở Thung lũng Ayalon gần ngã ba Latrun hiện nay – có thể chính là Emmaus trong sách Lu-ca.
Tuy nhiên, Emmaus Nicopolis đã bị phá hủy trong cuộc ‘chiến tranh 6 ngày’ năm 1967, mà tàn tích còn lại ngày nay là một phần của Công viên Quốc gia Israel. Nhưng Emmaus Nicopolis lại nằm cách Jerusalem đến 15 dặm, gần gấp đôi so với khoảng cách từ Jerusalem đến Emmaus như mô tả trong sách Lu-ca.
Một số người khác tin rằng ngôi làng Motza hiện nay – nằm giữa Kiriath Yearim và Jerusalem – mới chính là Emmaus trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, ngôi làng đó lại quá gần Jerusalem, không phù hợp với mô tả trong sách Lu-ca.
Được biết, ‘Emmaus’ hay ‘Emausaus’ (Hy Lạp) có nghĩa là ‘suối nước nóng’.
#tịnh lược dịch
(Nguồn: ChristianPost)