Myanmar: Đã đến ‘kỳ’ truyền rao Tin Lành
Jnewsvn.com – Mặc dù trở nên rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương sau các cuộc biểu tình đẫm máu vừa qua, nhóm thiểu số Cơ đốc nhân trên đất nước này đã và đang bước ra ngoài để cầu nguyện cho đồng bào mình, đất nước mình, và bày tỏ quan điểm của mình…
Các Mục sư và các nhà truyền giáo ở Myanmar đã cầu nguyện và xuống đường cùng với cộng đồng với niềm tin xác quyết rằng Chúa đứng sẽ về phía công lý, phía chính nghĩa, phía người dân.
Tuần trước, trong bối cảnh internet và điện thoại toàn quốc bị cắt, một số Hội Thánh đã tụ họp lại cầu nguyện; khuyên giục nhau cố gắng thích ứng, đồng thời đảm bảo các nỗ lực truyền bá Phúc Âm không bị thất bại hay ngắt quãng, trong ‘một chương đen tối của lịch sử đất nước’ – họ chia sẻ.
“Dù bạn bè, người thân của chúng tôi không liên lạc được, nhưng quyền lực chắc chắn không thành công trong việc ngăn chặn tiếng nói của chúng tôi” – Cơ đốc nhân Michael Koko Maung cho biết.
“Anh chị em tín hữu vẫn tiếp tục cầu nguyện, hưởng ứng phong trào bất tuân dân sự, biểu tình tuần hành ôn hòa, lên án bạo lực để cả thế giới biết rằng chúng tôi đang chống trả”.
Nhiều hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các Mục sư trong mạng lưới ‘Chức vụ Nê-hê-mi/‘Nehemiah Ministries’ đã có mặt trong đoàn biểu tình.
Tình trạng bất ổn xảy ra trên đất nước này vào ngày 1/2/2021, khi quân đội bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và lên nắm chính quyền.
Theo Tổ chức theo dõi Tôn giáo ‘Open Doors’, điều này gây nguy hiểm cho Cơ đốc nhân và Cơ đốc giáo ở Myanmar. Trong quá khứ, chính quyền quân sự ủng hộ tôn giáo truyền thống, hạn chế các hoạt động của Cơ đốc giáo – một Mục sư địa phương chia sẻ.
Được biết người Tin Lành chỉ chiếm dưới 5% dân số Myanmar, là cộng đồng tôn giáo nhỏ nhất nước. Bất chấp nguy cơ bị trả thù, một số tổ chức Cơ đốc và các Mục sư đã lên tiếng. Liên minh Tin lành Myanmar và nhóm Cơ đốc giáo đa quốc gia ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai trong nước cũng đã tuyên bố lên án cuộc đảo chính.
“Những người đứng đầu các Hội Thánh họ có nhiều điều để mất nhất khi lên tiếng. Ví dụ chính họ và giáo phái của mình có thể bị vào tù hoặc quản thúc tại gia, hoặc quân đội có thể dùng vũ lực như đã từng xảy ra trong quá khứ, trong ký ức của nhiều người” – Ellis Craft, phụ trách khu vực Đông Nam Á tổ chức sứ mệnh ‘Reach A Village’, trụ sở tại Mỹ cho biết.
Ông Craft thêm: “Các Hội Thánh đang phát triển nhanh nhất ở Myanmar như Nehemiah Ministries rất tích cực trong việc sát cánh với cộng đồng đứng lên chống lại bất công”.
Kể từ sau cuộc đảo chính, Cơ đốc nhân vẫn lập kế hoạch tiếp tục thờ phượng Chúa tại gia, ở các nhóm tế bào… Tuy nhiên, do covid vẫn còn, nên họ chỉ có thể tụ tập dưới 30 người.
Bên cạnh việc sát cánh cùng người dân trong các cuộc biểu tình, hoạt động chính của tín hữu Cơ đốc là hiệp nguyện. “Những người tin Chúa ở Myanmar không rụt rè, hèn nhát, nhưng có thể chiến đấu bằng vũ khí mạnh nhất của mình là cầu nguyện” – ông Maung cho biết: “Chúng tôi mong tất cả tín hữu hiệp lòng cầu nguyện cùng chúng tôi trong cuộc chiến này, để chiến thắng tội lỗi và âm mưu của satan”.
Tình trạng bất ổn vẫn đe dọa các nhóm tín hữu trong nước, cụ thể “trên 500 tín hữu, gồm cả các nhà truyền giáo đã bị mắc kẹt ở Kyaukkyi, Bago mà chưa có sự trợ giúp nào” – một Cơ đốc nhân địa phương báo cáo với Open Doors. Tại bang Chin, một phần của Myanmar, giáp Ấn Độ và Bangladesh, các tín hữu lo lắng về khả năng vi phạm nhân quyền khi sự hiện diện của lực lượng quân sự gia tăng.
Các nhà lãnh đạo Cơ đốc nói cuộc đảo chính đã gây thêm đau khổ cho người dân Myanmar vốn đã khổ. Tuy nhiên, các tín hữu Cơ đốc vẫn tiếp tục đứng trên lời hứa của Đức Chúa Trời, hy vọng Ngài sẽ nghe thấy lời cầu nguyện không ngừng của họ.
Anh Maung nói: “Chúng tôi đã có kỳ để cầu nguyện, kỳ để chờ đợi, kỳ giữ im lặng, và giờ là kỳ phải hét lên, kỳ để truyền rao Tin Lành cho Myanmar”.
Thảo Phạm chuyển ngữ
(Nguồn: Christianitytoday; Ảnh: Finacialtimes, Shutterstock; Gettyimages)