Hai danh họa, một bức tranh ‘Người Sa-ma-ri nhơn lành’
Jnewsvn.com – Ngày 8/5/1889, kiệt sức vì bệnh tật và mất kiểm soát, Vincent Van Gogh – danh họa người Hà Lan – được đưa đến bệnh viện tâm thần Saint Paul ở Saint Rémy de Provence – một thị trấn nhỏ êm đềm, thơ mộng ở miền Nam nước Pháp, có những cánh đồng ngô, vườn nho và cây ô-liu… tại đây, ông đã vẽ và ‘vẽ lại’ những bức tranh đề tài Cơ đốc nổi tiếng của mình.
Là họa sĩ, Van Gogh được cấp cho 2 phòng nhỏ liền kề có nhiều cửa sổ. Một phòng ông dùng làm phòng ngủ, phòng kia ông dành để vẽ – một thế giới thu nhỏ của riêng ông.
Vào giai đoạn này, Van Gogh không chỉ vẽ phong cảnh loanh quanh, ông còn dành thời gian vẽ lại một số tranh của các họa sĩ mà ông yêu thích, dĩ nhiên ông sửa đổi bố cục, màu sắc, nét cọ… theo sở thích của riêng mình.
Một trong số họa sĩ có tác phẩm Van Gogh thích và vẽ lại, đó là họa sĩ lãng mạn người Pháp Eugene Delacroix. Hai tác phẩm của Delacroix thu hút sự chú ý của Van Gogh: bức Pieta vẽ bà Mari, mẹ Đức Chúa Jesus trong khoảnh khắc rất dịu dàng, khi Mari nhìn thi thể tan nát của đứa con trai mình mang nặng đẻ đau vừa bị đóng đinh. Bức thứ hai là ‘The Good Samaritan’/ Người Sa-ma-ri nhơn lành’, tả cảnh người Sa-ma-ri đang nâng một người bị thương lên ngựa để đưa đến quán trọ chữa trị.
Bệnh tình không thuyên giảm khiến Van Gogh ngày càng gặp khó khăn trong giao tiếp, đến nỗi người dân thị trấn Arles – nơi ông đang sống và vẽ – đặt cho ông biệt danh “Ông điên đầu đỏ”.
Tâm thần Van Gogh càng rối loạn hơn sau trong chuyến viếng thăm của đồng nghiệp – họa sĩ Paul Gauguin – đến nỗi ông bị buộc phải đưa ra khỏi thị trấn.
Nếu đặt 2 bức cạnh nhau, điều đầu tiên bạn sẽ thấy đó là sự khác biệt giữa cách sử dụng ánh sáng và bóng tối trong tranh của cả 2 danh họa. Quả thật “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Thế nhưng nếu quan sát kỹ hơn, sâu hơn, bạn sẽ thấy tranh của Van Gogh run rẩy, tình cảm hơn, còn ánh sáng thì rất tốt, mọi thứ trong tranh ông rõ ràng hơn, ‘người’ hơn, ‘đời’ hơn.
#tịnh