Tự lập
Jnews – Đang ngồi học bài, bỗng dưng nó chồm dậy, kéo anh hai lại tuyên bố rất trịnh trọng: “Mai em ra ở trọ với bạn!”. Anh hai há hốc miệng: “Muốn tự lập?”. Rồi ảnh cười phá lên: “Thôi cô yên đi cho tôi nhờ!”. Nó đứng dậy đến trước mặt anh, nghiêm túc nhắc lại lần nữa: “Em sẽ tự lập!”.
Sáng hôm sau khi sương mù chưa tan, khi mọi người vẫn đang còn trong chăn thì nó – cô bé 18 tuổi, vừa thi đại học xong – hì hục dọn đồ ra riêng với những người bạn mới, mà theo nó là để “học cách tự lập”.
Nó để lại cho mẹ bức thư, giải thích không phải bỏ nhà đi bụi, mà chỉ muốn làm người lớn. “Mẹ và anh hai ở nhà mạnh khỏe nha! Con ra ở chung với bạn, sẽ tự học, tự làm kiếm tiền, khi nào trưởng thành con sẽ về gặp mẹ và anh!”.
Ngày đầu tiên dọn đến ở với bạn, cũng là ngày đầu tiên nó biết đến cuộc sống tập thể. Phòng có 4 người, nó mau chóng hòa đồng và thấy khá vui.
Tối đó, lần đầu tiên xa nhà, vừa háo hức vừa thoáng buồn, nó trằn trọc không chợp mắt nổi, bèn thức luôn, quyết tâm vạch kế hoạch kiếm tiền, bước đầu là làm gia sư. Ý tưởng này làm nó thấy vui nên yên tâm đi ngủ.
Sáng hôm sau nó dậy sớm đạp xe đến trung tâm giới thiệu việc làm, và nhanh chóng được nhận dạy kèm một bé gái lớp 7.
Đang háo hức chờ đến ngày đầu tiên được làm cô giáo thì mọi chuyện không như mong đợi. Nó bị lừa. Đó là một địa chỉ ảo. Mất đứt 500 ngàn tiền “thế chân” cho trung tâm. Nó bắt đầu hoang mang.
Đang buồn, tình cờ gặp lại cô bạn hồi cấp II, bạn dẫn nó đến một công ty. Một buổi gặp mặt rất hoành tráng diễn ra, nó được các anh chị đi trước ưu ái quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm; được thông báo nhận ngay công việc bán hàng, chỉ với điều kiện duy nhất: nộp 2 triệu đồng và nhận lại một sản phẩm của công ty đem đi chào bán, sau đó mỗi tháng sẽ vừa được nhận lương cứng và huê hồng…
Nó quyết tâm lấy hết số tiền mẹ cho, tiền lì-xì dành dành dụm để đầu tư vào công việc. Đầy niềm vui và hy vọng, nó háo hức gọi về khoe với anh hai, nghĩ chắc ảnh sẽ nể phục lắm, không ngờ ảnh lạnh lùng, thẳng thừng: “Về nhà đi nhỏ, bị lừa rồi còn không biết nữa?”. Rồi anh giải thích đó là kiểu bán hàng đa cấp, là cái bánh vẽ đã bẫy biết bao con người, nhất là các sinh viên sa vào, tiền mất nợ mang, một hình thức lừa đảo…
Nó khóc suốt đêm không chỉ vì tiếc số tiền dành dụm. Sáng hôm sau, anh hai lại gọi, khuyên nó trở về nhà. Nó tự ái, nhất quyết ở lại, nói từ nay sẽ không nghe theo lời bạn bè nữa, mà sẽ tự mình đi tìm việc.
Rồi nó cũng kiếm được chân bán hàng ở shop quần áo. Công việc tuy vất vả vì vừa đi học, vừa đi làm nhưng cũng khá ổn. Cuối tháng, lần đầu tiên trong đời được nhận lương, nó cảm thấy thật hạnh phúc. Cầm 1 triệu đồng đầu tiên kiếm được bằng chính sức lao động của mình, nó sung sướng, rưng rưng nghĩ đến gương mặt tự hào của mẹ và anh hai.
Dọc đường, nó không cầm lòng được rút điện thoại ra gọi cho anh hai. Một chiếc xe máy áp sát vào, trong tích tắc, chiếc điện thoại bị giật mất. Nó ngẩn ngơ nhìn theo, nước mắt tự nhiên chảy dài…
Cuối tuần, nó vác ba-lô trở về nhà, hăm hở xuống bếp nấu bữa cơm nóng cho mẹ, cho anh hai. Nó mừng rỡ sà vào lòng mẹ: “Mẹ ơi, con không buồn nữa, không bỏ cuộc đâu!”. Anh hai cười, nhìn nó, biết rằng nó đã không còn là cô nhóc tì suốt ngày quanh quẩn bên anh hai nữa. Khó khăn đã không quật được nó, nó đã đủ “mạnh” để đối mặt với những khó khăn sắp tới ngoài kia. Quay mặt đi, anh cảm ơn Chúa đã nghe lời cầu nguyện của anh và mẹ suốt thời gian qua.
Jnews st.