Từ ‘Hamas’ có trong Kinh Thánh từ buổi Sáng thế
Jnewsvn.com – Ông Rabbi Jason Sobel – một lãnh đạo Do Thái tin Chúa Jesus là Đấng Mê-si-a – nói về cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel có yếu tố thuộc linh trong đó.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Sobel, tác giả quyển “Những dấu hiệu và bí mật về Đấng Mê-si-a: Một cái nhìn mới về các phép lạ của Chúa Jesus”, đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về bối cảnh lịch sử cuộc xung đột, ý nghĩa thuộc linh của sự kiện và các lời tiên tri.
“Sự ra đời của nhà nước Israel là một phép lạ thời hiện đại (…). Trong mọi thế hệ đều có một Hitler hay một Haman (xem sách Ê-xơ-tê) nổi lên để tiêu diệt dân Do Thái, nhưng Đức Chúa Trời đã gìn giữ họ, vì Ngài là Đức Chúa Trời của những điều kỳ diệu” – ông Sobel nói.
Ông Sobel cũng chỉ ra những lời tiên tri trong Kinh Thánh đã dự báo những gì ta thấy đang diễn ra ngày nay, gồm cả luận điệu chống Do Thái của Iran và những nỗ lực trục xuất Israel khỏi trái đất.
Dù cuộc khủng hoảng hiện tại không hẳn là bằng chứng cho thấy chúng ta đã đi đến hồi kết, nhưng các sự kiện đang hình thành chắc chắn rất đáng chú ý. “Đây có phải là kết thúc không?” – ông tiếp – “Tôi không nói vậy, nhưng điều tôi đang nói, đó là hành trình mà thế giới đang hướng tới”.
Ông cũng nói về mối lo ngại bao trùm mà cuộc tấn công bất ngờ của Hamas đem đến đã khiến những người Do Thái đang trải qua những nỗi sợ hãi, lo lắng, như họ từng cảm thấy kinh hoàng từ nạn diệt chủng Holocaust của Đức quốc xã.
“Là người đã mất gần hết gia đình mình trong vụ Holocaust, sự man rợ và tàn bạo của những gì Hamas đã làm đang lặp lại và mở ra nỗi đau thương, lo lắng cho người Do Thái khắp thế giới”. “Đặc biệt khi bạn nghe thấy những lời kêu gọi như ‘Ngày thánh chiến toàn cầu’ tấn công người Do Thái trên khắp thế giới”.
Vị lãnh đạo tôn giáo còn cho biết ông tin rằng sự thù hận nhắm vào người Do Thái là yếu tố chính trị, nhưng chủ yếu còn mang yếu tố thuộc linh. “Có chính trị trong việc này” – ông nói – “Nhưng thực ra gốc rễ của vấn đề là thuộc linh. Và đó là điều cần hiểu trước hết, bởi vì bạn không thể giải quyết một vấn đề thuộc linh bằng các biện pháp chính trị”.
Ông Sobel cho biết từ ‘Hamas’ (nghĩa là ‘bạo lực’, ‘hung bạo’ – ‘violence’) xuất hiện trong Kinh Thánh nhiều lần, và lưu ý nó xuất hiện lần đầu trong Sáng thế ký 6:11.
Rằng “vào thời Nô-ê, Chúa thấy thế giới tràn ngập bạo lực”, và Chúa rất buồn, cuối cùng Ngài đã sai lũ lụt đến thế gian. Và chính Chúa Jesus cũng đã nói trong Ma-thi-ơ 24: “Trong thời Nô-ê thể nào thì ngày Con Người đến cũng thể ấy”.
Ông Sobel tiếp: “Vì vậy, tôi không nghĩ có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào, khi từ thời Nô-ê đã có ‘hamas’ trên đất, và mức độ ‘hamas’ đó ngày nay được tổ chức Hamas thể hiện theo đúng nghĩa đen”.
Vị lãnh đạo đức tin cho biết trái tim ông tan vỡ vì những người Palestine vô tội bị cuốn vào “tình huống khủng khiếp” này, và nói rằng mọi người phải thực sự tự hỏi ai là người chịu trách nhiệm – một điều đòi hỏi phải đi sâu vào lịch sử và bản chất của vấn đề.
Tinh Văn lược dịch
(Nguồn: Faithwire // Ảnh: Reuter, Vox, PBS, Vocal Europe)