Trung Quốc đối diện với khủng hoảng an ninh lương thực vì châu chấu sa mạc
Jnewsvn.com – Trong khi bệnh dịch coronavirus vẫn còn đang hoành hành, Trung Quốc lại tiếp tục đối diện với khủng hoảng an ninh lương thực vì nạn châu chấu sa mạc…
Hàng triệu con châu chấu từ châu Phi đang tiến dần đến phía nam đất nước, đặt TQ trước nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực vào mùa hè này.
Cuộc xâm lược của châu chấu sa mạc – vốn đang đẩy hàng triệu người châu Phi vào khủng hoảng an ninh lương thực – đang đe dọa TQ những ngày sắp tới.
Các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, khu tự trị dân tộc Choang – Quảng Tây – có thể là điểm đến của châu chấu, theo ông Zhang Zehua, nhà nghiên cứu ở Viện Bảo vệ Thực vật – thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp TQ nói với Xinhua.
Ông Zhang cảnh báo châu chấu sa mạc sẽ đe dọa an ninh lương thực TQ nếu không được kiểm soát tốt.
Được biết, dọc biên giới khu tự trị Tây Tạng với các nước Pakistan, Ấn Độ và Nepal đang bị châu chấu tấn công. Tuy nhiên, do cao nguyên Tây Tạng có thể là lá chắn cản đàn châu chấu, nên cơ hội chúng tràn vào TQ đại lục có thể giảm.
“Dầu vậy, xác suất đàn châu chấu sẽ tấn công TQ vào tháng 6, tháng 7 này vẫn rất cao” – ông Zhang nói – và đặt lòng tin vào hệ thống phòng ngừa quốc gia.
Vào tháng 1/2020, đàn châu chấu đến Djibouti và Eritrea, sau đó sang Tanzania và Uganda, cướp đi sinh kế hàng triệu người qua các đợt mất mùa tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Chúng hủy diệt đồng cỏ, mùa màng vài giờ sau khi có mặt – theo Chương trình Lương thực Thế giới Liên Hợp Quốc.
“Châu chấu sa mạc là một trong những loài di cư nguy hiểm nhất thế giới. Một con đơn lẻ có thể bay được 150km, và trong chỉ 1 ngày, 1 đàn nhỏ có thể lấy đi lượng thức ăn của 35.000 người.
Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo rằng đàn châu chấu sa mạc đang sinh sản nhanh chóng trong khu vực, khiến chúng có thể tăng gấp 500 lần số lượng hiện tại vào tháng 6 nếu không được kiểm soát.
Nhà nghiên cứu kêu gọi sự hợp tác giữa Trung Quốc với các quốc gia khác, đặc biệt là Pakistan, Ấn Độ và Nepal để ngăn chặn “thảm họa châu chấu sa mạc” và chia sẻ thông tin mới nhất về sự di cư của bầy đàn.
Hạnh Vũ Zing
(Nguồn: Xinhua; Ảnh: Baoquocte; National Geographic)