Tâm tình của một Mục sư 39 năm chức vụ
Jnewsvn.com – Mục sư là: Luật sư đương chức, Giảng viên đương nhiệm, Nhà báo đương chức, Bác sĩ đương nhiệm, Dược sĩ đương chức, Phi công đương nhiệm…
Nhưng nhiều người nghĩ Mục sư đang… nhàn rỗi, cần việc gì đó để làm như bao nhiêu người khác. Vì mọi người, mọi nghề, mọi ngành đều bận rộn, nên Mục sư cũng cần ‘tìm việc gì đó để làm thêm’!
Con người vẫn thường hoan nghênh những ngành nghề không mang lại giá trị thực sự gì cho họ, nhưng lại ít nghĩ đến những người đem lại giá trị cho nhiều người.
Cụ thể: cầu thủ bóng đá kiếm nhiều hơn so với bác sĩ; diễn viên hài kiếm nhiều tiền hơn so với các giáo viên… Nhưng hầu hết các Mục sư kiếm được rất ít hoặc không có gì, và bạn nghĩ họ ổn?
Cầu thủ bóng đá Messi có giúp gì cho cuộc sống bạn? Huấn luyện viên Park Hang Seo có giúp bạn cứu vãn hôn nhân, hoặc giúp ai đó thoát khỏi nghiện ngập, thói hư tật xấu?
Nhưng các Mục sư thì liên quan chặt chẽ đến đời sống bạn hàng ngày, họ chịu trách nhiệm giúp các tín hữu sống tốt hơn. Nhưng không hiếm khi ai đó thấy họ sở hữu điều gì sẽ tỏ thái độ như thể họ không xứng đáng.
Nếu như bạn chưa biết gì về Mục sư, thì nên biết rằng Mục sư là một chức vụ, một công việc đòi hỏi hy sinh nhiều nhất mà tôi biết trên trái đất này.
Chính tôi là Mục sư trong suốt 39 năm qua.
Tôi đã đến đồn cảnh sát nhiều lần vì các thành viên trong Hội Thánh. Tôi cũng thường đến các bệnh viện, thức trắng đêm vì các thành viên trong Hội Thánh. Tôi đã nhiều lần xa gia đình, từ bỏ những gì thuộc về mình để giúp đỡ, tư vấn cho các cuộc hôn nhân đang trên bờ vực ly hôn, hay tiến hành tang lễ tất cả cho các thành viên trong Hội Thánh.
Gia đình tín hữu mà tôi vừa ghé thăm mới tin Chúa, một thành viên trong gia đình gặp tai nạn thảm khốc, và họ hỏi tôi trong nước mắt: “Mục sư ơi! Tại sao chuyện này lại xảy ra cho chúng tôi?”.
Ai có nghĩa vụ phải trả lời một câu hỏi như vậy không? Không! Nhưng chính Mục sư phải trả lời. Và rồi các Mục sư sẽ an ủi, khôi phục lại niềm hy vọng trong họ.
Mục sư nghèo khổ rất có thể sẽ nghe câu: “Sao không nhờ cậy Chúa?”; còn Mục sư giàu sẽ nghe: “Chắc là Tin Lành thịnh vượng”… Liệu có công bằng với các Mục sư?!
Ai khóc cũng được xem là bình thường, nhưng khi Mục sư khóc chắc sẽ được nghe: “Sao yếu đức tin thế?”.
Ai cũng có thể mang nan đề của mình đến nhờ Mục sư giải quyết, nhưng mấy ai hỏi Mục sư ơi ăn gì chưa trước khi giảng?
Mọi người đều có thể được tha thứ khi phạm lỗi, nhưng sai lầm của Mục sư thường là: “Thật không thể tha thứ!”, “Khó chấp nhận. Đã là Mục sư sao lại thế…”.
Bạn có biết phần lớn Mục sư gặp khó khăn về tài chính, phải làm nhiều việc khác nhau để tồn tại và lo cho gia đình mình? Nhưng họ sẽ không nói với bạn đâu, nhưng bạn đáng lẽ ra phải biết điều đó.
Nếu bạn thấy một Mục sư làm nhiều việc khác nhau khi đương chức, hãy hướng lòng về phía họ, cầu thay, tôn trọng, trân trọng, đặc biệt nếu họ là Mục sư của bạn, thay vì trích dẫn Kinh Thánh để ‘dạy’ họ nên thế này, thế nọ, nên quan tâm đến họ một cách đúng mực, để họ sẽ không cần phải làm những việc gì khác ngoài việc chăn bầy để tồn tại.
Sau cùng, cần đặc biệt tránh xa những người, những nhóm ‘an-ti Mục sư’ chuyên nói xấu, chống lại họ. Nguyện Chúa ban phước trên các Mục sư!
Paul Quốc lược dịch
(Jnewsvn biên tập; Ảnh: Unsplash)