Sứ điệp của Mục sư Billy Graham cho ngày 11.9.2001
Jnewsvn.com – Mỗi khi nhắc lại sự kiện bi thảm 11/9, nước Mỹ cũng thường nhắc đến bài giảng tràn ngập an ủi, tình yêu và hy vọng của cố Mục sư Billy Graham.
Trong bài giảng, Mục sư Billy nhắc đến một hiện vật – cây thánh giá bằng thép được tìm thấy trong đống đổ nát của Tháp Bắc, Trung tâm Thương mại Thế giới.
Ba ngày sau vụ tấn công (14/9/2001), Mục sư Billy đã được mời phát biểu tại Nhà thờ Quốc gia trong lễ Cầu nguyện và Tưởng niệm. Sau đây là một phần sứ điệp của ông hôm đó:
“Chúng ta đến với nhau hôm nay để cùng khẳng định trong đức tin rằng Đức Chúa Trời quan tâm đến chúng ta, bất kể nền tảng dân tộc, tôn giáo hay chính trị. Kinh Thánh chép: Ngài là “Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi, là Đấng an ủi chúng ta trong mọi hoạn nạn” (2 Cô-rinh-tô 1:3-4)
Dù chúng ta có cố gắng thế nào chăng nữa, thì từ ngữ không thể diễn tả được nỗi kinh hoàng, kinh ngạc lẫn kinh hãi mà tất cả chúng ta cảm thấy về những gì đã diễn ra tại quốc gia này vào ngày 11/9 sẽ vừa qua – ngày sẽ đi vào lịch sử của chúng ta.
Hôm nay, chúng ta nói với những kẻ chủ mưu tàn ác thực hiện việc này, rằng tinh thần của dân tộc này sẽ không bị đánh bại bởi âm mưu quỷ quyệt của chúng, một ngày nào đó tất cả họ sẽ bị đưa ra công lý.
Nhưng hôm nay, chúng ta cũng đến với nhau trong buổi lễ này để thú nhận nhu cầu của chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Rằng chúng ta luôn cần Chúa, ngay từ thuở ban đầu của quốc gia này. Nhưng ngày nay chúng ta càng đặc biệt cần Ngài. Chúng ta đang tham chiến – một loại chiến tranh mới – và rất cần sự giúp đỡ của Thánh Linh Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh chép: “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức mạnh của chúng con, Ngài hằng giúp đỡ trong cơn hoạn nạn. Vì vậy, chúng con chẳng sợ hãi dù đất biến đổi, núi rung chuyển và bị quăng vào lòng biển” (Thi thiên 46:1-2).
Nhưng làm thế nào chúng ta có thể hiểu được một chuyện khủng khiếp như thế này? Tại sao Chúa lại cho phép điều ác xảy ra? Có lẽ đó là những gì bạn đang hỏi Chúa, thậm chí có thể giận Chúa. Tôi muốn đảm bảo với bạn rằng Chúa hiểu những cảm giác này của bạn.
Chúng ta đã rơi nước mắt đau thương và tức giận. Nhưng Chúa vẫn là Đấng bạn có thể tin cậy, ngay cả khi cuộc sống dường như tăm tối nhất.
Và, những bài học chúng ta có thể học là gì?
Đầu tiên, chúng ta được nhắc nhở về sự bí ẩn và thực tế của cái ác. Tôi đã được hỏi hàng trăm lần vì sao Chúa cho phép bi kịch, đau khổ xảy ra. Cần thú nhận rằng tôi không biết câu trả lời. Nhưng tôi chấp nhận, bởi đức tin, rằng Đức Chúa Trời là Đấng tể trị, và Ngài là một Đức Chúa Trời của tình yêu và lòng thương xót giữa mọi nỗi thống khổ.
Kinh Thánh chép rằng Đức Chúa Trời không phải là tác giả của điều ác. Tân Ước, sách 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7 nói về bí ẩn của cái ác, và trong Cựu Ước, tiên tri Giê-rê-mi cũng đã nói: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (17:9).
Và bài học của sự kiện này không chỉ là bí ẩn của tội ác và cái ác, mà còn là bài học về sự cần thiết của chúng ta đối với nhau.
Những ngày qua, New York và Washington là một ví dụ cho cả thế giới. Hẳn ai trong chúng ta cũng không quên hình ảnh những người lính cứu hỏa và cảnh sát dũng cảm, cùng hàng trăm người kiên nhẫn đứng xếp hàng hiến máu.
Một thảm kịch thế này có thể đã chia cắt đất nước chúng ta, nhưng thay vào đó, nó càng gắn kết chúng ta lại với nhau. Vì vậy, những thủ phạm muốn sử dụng điều này để chia cắt chúng ta chắc chắn phải thất vọng. Chúng ta đoàn kết hơn bao giờ hết. Điều này được minh chứng một cách cảm động khi các thành viên trong Quốc hội của chúng ta kề vai sát cánh bên nhau và hát: “Chúa phù hộ nước Mỹ” – “God Bless America”.
Cuối cùng, khó có thể cho chúng ta thấy ngay bây giờ, rằng sự kiện này đưa đến một thông điệp về niềm hy vọng cho hiện tại và tương lai.
Có! Nhất định có hy vọng! Hy vọng cho một tinh thần mới trong quốc gia chúng ta. Chúng ta rất cần một sự đổi mới thuộc linh trên đất nước này, và Đức Chúa Trời đã nói với chúng ta trong Lời Ngài hết lần này đến lần khác, rằng chúng ta cần ăn năn tội lỗi của mình và trở về với Ngài, Ngài sẽ ban phước cho chúng ta theo một cách mới.
Hy vọng cho tương lai trong những lời hứa của Đức Chúa Trời. Là Cơ đốc nhân, tôi có hy vọng, không chỉ cho cuộc sống này, nhưng cho Thiên Đàng và cuộc sống ngày sau. Nhiều người trong số những người đã chết tuần qua hiện đang trên Thiên Đàng. Và họ sẽ không muốn quay lại đâu. Thật vinh quang và tuyệt vời. Đó là niềm hy vọng cho tất cả chúng ta, những người đặt niềm tin vào Chúa. Tôi cầu nguyện rằng bạn cũng sẽ có niềm hy vọng này trong tim bạn.
Sự kiện này sẽ nhắc nhở chúng ta về sự ngắn ngủi và không chắc chắn của cuộc sống. Chúng ta không bao giờ biết khi nào mình sẽ được gọi vào cõi vĩnh hằng. Liệu những người bước lên 2 chiếc máy bay đó, hoặc những người bước vào Trung tâm Thương mại Thế giới hoặc Lầu Năm Góc hôm ấy có nghĩ rằng đó là ngày cuối cùng của đời họ không. Và đó là lý do tại sao mỗi chúng ta phải đối diện với nhu cầu thuộc linh của chính mình, và cam kết với Đức Chúa Trời về ý muốn của Ngài.
Ở đây, trong Nhà thờ Quốc gia hùng vĩ này, chúng ta thấy biểu tượng của cây thánh giá. Đối với tín đồ Đấng Christ, thập tự giá cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời hiểu tội lỗi và đau khổ của chúng ta, vì Ngài đã mang chúng xuống, chính Ngài, trong thân vị Jesus Christ. Từ thập tự giá, Đức Chúa Trời tuyên bố: “Ta yêu con. Ta biết những nỗi đau, nỗi buồn, nỗi khổ mà con cảm nhận. Nhưng Ta yêu con”.
Nhưng câu chuyện không kết thúc với thập tự giá, vì Lễ Phục sinh cho chúng ta biết bi kịch của thập tự giá dẫn đến ngôi mộ trống, rằng có hy vọng cho sự sống vĩnh cửu, vì Đấng Christ đã chiến thắng cái ác, sự chết và địa ngục. Phải. Có hy vọng.
Bây giờ, tôi là một ông già đã đi giảng thuyết khắp thế giới. Và càng già, tôi càng bám vào niềm hy vọng của tôi từ nhiều năm trước.
Cách đây vài năm, tại Bữa sáng Cầu nguyện Quốc gia ở Washington, Đại sứ Andrew Young đã kết thúc buổi nói chuyện bằng một trích dẫn từ bài thánh ca cổ: “How Firm a Foundation” (Một nền tảng vững vàng), thì tuần này chúng ta đã kinh hoàng chứng kiến cảnh máy bay đâm vào 2 tòa tháp hùng vĩ đó.
Hai tòa tháp được xây dựng trên nền móng rất vững chắc – biểu tượng của sự thịnh vượng và sáng tạo. Và rồi chúng đổ sụp xuống. Tuy nhiên, ở dưới các mảnh vỡ đó, cái nền vẫn không bị phá hủy – có làm chúng ta nhớ lại bài thánh ca: “làm thế nào có thể phá hủy được một nền tảng vững chắc”?
Vâng, quốc gia của chúng ta đã bị tấn công, các tòa nhà bị phá hủy, nhân mạng bị mất. Nhưng bây giờ chúng ta có một sự lựa chọn: liệu có nên làm tan vỡ, tan rã tình cảm và tinh thần của một dân tộc, một quốc gia; hoặc chọn trở nên mạnh mẽ hơn qua tất cả những điều này, để xây dựng lại trên cái nền vững chắc?
Tôi tin rằng chúng ta đang bắt đầu xây dựng lại trên nền tảng đó: niềm tin cậy của chúng ta vào Chúa. Và với niềm tin đó, chúng ta có đủ sức mạnh để chịu đựng những khó khăn, kinh khủng như những gì chúng ta vừa trải qua với rất nhiều nước mắt.
Nhưng đây cũng là 1 tuần của niềm tin tuyệt vời. Một lần nữa, bài thánh ca lại vang lên: “Làm sao hủy phá được một nền tảng vững chắc”? Vì Lời Chúa hứa: “Đừng sợ, vì Ta ở với con. Chớ kinh khiếp, vì Ta là Đức Chúa Trời của con! Ta sẽ làm cho con mạnh mẽ; phải, Ta sẽ giúp đỡ con, dùng tay phải công chính của Ta mà nắm giữ con. Này, mọi kẻ nổi giận cùng con sẽ hổ thẹn và bị sỉ nhục. Những kẻ nổi lên chống nghịch con sẽ trở nên hư không và bị diệt vong. Con sẽ tìm những kẻ gây hấn với con, nhưng không tìm thấy chúng; những kẻ tranh chiến với con sẽ bị diệt sạch và không còn gì cả. Vì Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con, Đấng nắm giữ tay phải con và phán với con rằng: Đừng sợ, chính Ta sẽ giúp đỡ con!” (Ê-sai 41:10-13)
Lời cầu nguyện của tôi hôm nay là chúng ta sẽ cảm nhận vòng tay yêu thương của Đức Chúa Trời đang bao bọc chúng ta, và khi tin cậy nơi Ngài, chúng ta sẽ biết trong lòng rằng Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Chúng ta cũng biết rằng Đức Chúa Trời sẽ ban sự khôn ngoan, can đảm và sức mạnh cho Tổng thống và những người xung quanh. Và đây sẽ là một ngày mà chúng ta sẽ ghi nhớ như một Ngày Chiến thắng!
Chúa phù hộ tất cả các bạn!”
#tịnh lược dịch
(Nguồn: billygraham.org)