Phép lạ trên sông Kwai
Jnews kể chuyện – Ernest Gordon là đại đội trưởng, chiến đấu cho quân đội Anh trong Đệ nhị Thế chiến. Năm 24 tuổi, ông bị phát xít Nhật bắt làm tù binh. Trong thời gian ở tù 3 năm, Gordon bị quân Nhật bị đưa đi lao động cưỡng chế. Ông và nhiều tù binh khác phải làm đường ray Thái – Miến Điện khét tiếng, và xây cầu bắc qua sông Kwai – tuyến đường máu từng được mô tả trần trụi trong bộ phim “Cầu sông Kwai” rất nổi tiếng.
Tổng cộng có 80 ngàn tù binh đã bỏ mạng khi thi công tuyến đường xe lửa xuyên rừng này. Trung bình cứ mỗi dặm đường ray có 393 người vĩnh viễn nằm lại vì sốt rét rừng, rắn rết, suy dinh dưỡng, bệnh tật, bom đạn, bị lính Nhật hành quyết…
Trong quyển tự truyện “Phép lạ trên sông Kwai”, Ernie Gordon kể lại từng nỗi thống khổ kinh hoang của ông và các bạn tù dưới bàn tay dã man của quân Nhật. Cách đối xử không chút tình người của lính Nhật cộng với điều kiện làm việc nguy hiểm, gian khổ khiến các tù nhân xuống dốc về đạo đức, nhân phẩm. Họ bắt đầu đối xử tệ với nhau bằng luật rừng: “Tôi chỉ lo thân tôi, và sẽ đối xử như địa ngục với tất cả mọi người!”. Họ đánh nhau tóe máu chỉ để giành vài cọng rau trong thùng rác. Người bệnh bị bỏ mặc hoặc bị chà đạp cho tới chết; và người chết không ai thương xót, chôn cất.
Bữa nọ, một chuyện kinh hoàng đã xảy ra. Khi lính Nhật phát giác họ bị mất một cây xẻng ở công trường. Viên sĩ quan quản chế nhóm tù binh rất tức tối, bắt tất cả tù binh đứng thành hàng ngang, rồi lệnh cho kẻ nào dám lấy cắp cây xẻng bước lên phía trước. Nếu không ai nhận tội, hắn sẽ xử tử từng người, không chừa một ai. Nói là làm. Vừa dứt câu, hắn rút súng máy chĩa vào đám tù binh.
Thình lình, một anh lính người Tô Cách Lan (Scotland) bước lên. Viên sĩ quan Nhật cất súng, lấy cây xẻng gần đó đánh túi bụi vào người lính này cho đến chết.
Màn hành quyết man rợ kết thúc, các tù binh len lén lấy xác bạn vác về trại, dự định sẽ chôn anh lính xấu số vào cuối ngày.
Sau đó, họ âm thầm cho đếm lại công cụ và nhận ra số xẻng không thiếu cây nào. Không có cây xẻng nào bị mất. Người kiểm tra công cụ đã đếm sai! Nhưng anh lính nọ – một Cơ đốc nhân – đã tình nguyện chết thay cho các bạn mình.
Tin tức về cái chết oan ức của người lính lan nhanh khắp trại quân. Một người vô tội sẵn lòng chịu chết để cứu mạng các bạn tù vốn đối xử với anh chẳng tốt lành gì. Kể từ đó, các tù binh bắt đầu đối xử tử tế với nhau. Họ thậm chí thương yêu nhau hơn anh em ruột thịt. Sự hằn học, cay đắng, vô nhân không còn nữa.
Sự hy sinh của một người đã tạo ra phép lạ, cứu sống nhân phẩm và mạng sống của những người còn lại.
Đại đội trưởng Ernest Gordon về sau trở thành Cơ đốc nhân. Sau chiến tranh, ông được về lại quê hương và trở thành người hầu việc Chúa. Khi được làm chứng về tình yêu của Chúa, Đấng đã hy sinh trên thập tự giá vì tội lỗi nhân loại, Gordon cảm động tiếp nhận Chúa ngay, vì ông đã kinh nghiệm được năng quyền biến đổi và sự hy sinh vô điều kiện. Chính ông cũng vài lần thập tử nhất sinh trong trại tù ám ảnh đó, nhưng nhờ tình yêu và sự săn sóc của các bạn tù, ông được sống sót hồi hương.
Đức Chúa Jesus phán trong Phúc Âm Mác: “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ, và phó sự sống mình làm giá chuộc muôn người”. Đấng Cứu Thế vui lòng chịu chết vì bạn và tôi, hầu cho chúng ta thoát khỏi án phạt kinh hoàng của sự chết đời đời, được vui hưởng sự bình an của Ngài.
Tình yêu và sự hy sinh có sức mạnh khó tả, có thể biến đổi nhiều cuộc đời. Hãy đến với tình yêu hy sinh của Chúa, Đấng vì yêu bạn chịu chết trên cây thập tự.
—
Trường Giang dịch
(Nguồn: Sermon Central; Ảnh: Peace Grooves)
#ThanksGod #Jnews #StillWaters #Tình_yêu #Hysinh#Phép_lạ_sông_Kwai