Ngọn đồi có trên 200.000 cây thánh giá
Jnewsvn.com – Bạn có biết hay nghe nói gì về Đồi Thập Giá/Hill of Crosses chưa? Hơn 200.000 cây thánh giá sừng sững, trải khắp một ngọn đồi nhỏ ở nước Cộng hòa Litva (Republic of Lithuania – Bắc Âu). Mỗi thánh giá là một tác phẩm sắp đặt và trình diễn (Installation & Performance Art) tuyệt vời, thầm thì ‘kể’ những câu chuyện về đức tin và khả năng hồi sinh của một dân tộc chịu đựng hàng thế kỷ bị cai trị, bắt bớ, đàn áp…
Hiện, ngọn đồi với ‘bộ sưu tập thánh giá’ này là nơi người dân địa phương và du khách lui tới tham quan, cầu nguyện, mong tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn…
Ngày nay, các trang web du lịch trên thế giới hầu hết đều ‘xếp’ địa điểm này vào một trong số điểm đến thu hút du khách – nhất là người Cơ đốc.
Đồi Thập Giá lần đầu tiên được biết đến là khoảng giữa thế kỷ XIX, từ một cuộc nổi loạn của người dân địa phương chống lại ách cai trị của đế chế Nga. Nhưng những cây thánh giá ban đầu đó đã biến mất từ lâu, nó bị phá hủy bởi những kẻ độc tài, bạo chúa.
Người dân địa phương nói rằng thập giá trở thành biểu tượng của sự kháng cự, khi họ đối diện với sự chiếm đóng tàn bạo mà đất nước thuộc vùng Baltic này phải chịu đựng trong nhiều thế kỷ.
Hướng dẫn viên du lịch tình nguyện Simas Daugmaudis nói: “Đồi Thập Giá là biểu tượng đức tin, niềm tin vào tương lai của người Litva. Họ đã nương dựa vào đó để chiến đấu cho tự do đất nước mình. Trong suốt lịch sử liên tục bị chiếm đóng, trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới… nơi này đã bị phá hủy đến 5 lần, và đều được xây dựng lại ngay sau đó”.
Truyền thuyết về Đồi Thập Giá kể rằng: Một nông dân Litva có cô con gái bị bệnh nặng. Trong mơ, ông thấy một phụ nữ đến nói rằng con gái ông sẽ khỏi bệnh nếu ông làm một cây thánh giá bằng gỗ, đem cắm lên ngọn đồi gần đó. Thức dậy, ông lập tức làm theo và khi trở về nhà, ông thấy con ông đã khỏe mạnh.
Kể từ đó, dân làng bắt đầu làm những cây thánh giá đặt lên đồi mỗi khi có người thân bệnh tật, mong nhận được sự chữa lành kỳ diệu.
Riêng trong thời gian nước Nga cai trị, tôn giáo bị cấm và nơi này đã bị hủy phá đến 2 lần. Nhưng người Litva vẫn cứ bí mật vác những cây thánh giá lên đồi ‘trồng’ trở lại, bất chấp hàng rào an ninh tuần tra dày đặc.
Một trong số ‘Thánh Giá’ được ngưỡng mộ nhất ở đây là bức tượng Chúa Jesus giang tay – được cho là biểu tượng của thời kỳ Cơ đốc giáo bị bách hại, cấm đoán ở Litva.
Nước Cộng hòa Litva tuyên bố độc lập vào năm 1990, và ngọn đồi trở thành biểu tượng Tôn giáo và cả Văn hóa của người Litva.
Trong chuyến viếng thăm vào năm 1993, Giáo hoàng John Paul II đã tuyên bố: “Đây là nơi của hy vọng, hòa bình, tình yêu và sự hy sinh…”.
Được xếp vào nhóm Bắc Âu theo sự phân chia của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, đôi khi Litva cũng được coi là một quốc gia Đông Âu.
Litva có diện tích tương đối nhỏ, khoảng 65.200 km²; chia sẻ chung đường biên giới các quốc gia Belarus (502km), Latvia (453km), Ba Lan (91km), tỉnh Kaliningrad thuộc Nga (227km); bờ biển giáp với biển Baltic (99km).
#tịnh chuyển ngữ, tổng hợp
(Nguồn: CBN; Wiki, National Geographic)