Kinh Thánh nói gì về ‘Cây bá hương Liban’?
Jnewsvn.com – Vụ nổ ở cảng biển Beirut đã khiến cả đất nước Liban (Lebanon) rúng động, kinh hoàng. Vụ nổ có thể sẽ thay đổi vĩnh viễn cả một thành phố, một quốc gia, cả mảnh đất Trung đông (Mideast) – nơi từng được mệnh danh là ‘Paris hoa lệ của Trung Đông’.
Kinh Thánh nói gì về ‘cây bá hương Liban’ bị hủy phá?
Liban có nhiều núi, nằm cạnh bờ biển đông Địa Trung Hải, giáp Syria phía Bắc và Đông, giáp Israel về phía Nam. Người Liban rất tự hào về cây bá hương (Cedar – còn gọi là cây hương bách, cây hương nam hay cây tuyết tùng), và lấy làm biểu tượng trên cờ quốc gia họ (ảnh), bắt nguồn từ cảnh quan vùng núi của Liban được bao phủ bởi loài cây này. Theo một thống kê, cây bá hương Liban được nhắc tới 70 lần trong Kinh Thánh.
Kinh Thánh nói gì về ‘cây bá hương Liban’ bị hủy phá? Chúng ta cùng xem trong Cựu Ước: “Hỡi Li-ban, khá mở các cửa ngươi, cho lửa thiêu nuốt những cây bá hương ngươi! Hỡi cây thông, hãy kêu la! Vì cây bá hương đã ngã, những cây tốt đẹp đã bị hủy phá” (Xa-cha-ri 11:1-2).
Như ‘ngày tận thế’
Chết chóc, đổ nát, Liban vừa trải qua vụ nổ như thảm họa bom nguyên tử ở Nhật Bản, giữa lúc quốc gia này đang điêu đứng vì dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế – chính trị triền miên.
“Vụ nổ tương tự thảm họa Hiroshima và Nagasaki. Tôi chưa bao giờ chứng kiến một sự tàn phá đến như thế. Đây quả là thảm hoạ quốc gia” – Thống đốc Beirut Marwan Abboud bật khóc khi mô tả vụ nổ tàn phá Liban hôm 4/8.
Xe cứu thương hú còi inh ỏi cố len lỏi qua các giao lộ kẹt cứng vì dòng người cuống cuồng tháo chạy khỏi đống đổ nát. Khung cảnh chết chóc bao trùm bến cảng và các vùng lân cận thủ đô Beirut sau vụ nổ.
“Cảng sầm uất Beirut bị phá hủy hoàn toàn” – nhân chứng Bachar Ghattas mô tả cảnh tượng “giống như ngày tận thế”.
Cú ‘đột quỵ’ của cây bá hương
Vụ nổ khủng khiếp xảy ra giữa lúc Liban đang tê liệt vì khủng hoảng liên tiếp, từ covid đến nền kinh tế kiệt quệ, bạo loạn, biểu tình… Quốc gia này vốn đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi cuộc nội chiến kéo dài 15 năm, nhưng vẫn liên tục bị cuốn vào các cuộc xung đột trong khu vực.
Với trên 5.000 ca lây nhiễm và 65 người chết vì covid được báo cáo – tương đối thấp so với nhiều nước. Nhưng giới chức địa phương cho biết gần đây số ca nhiễm, tái nhiễm gia tăng và lan sang nhiều khu vực mới của đất nước.
Lệnh phong tỏa của chính phủ vừa kết thúc, các bác sĩ vừa cảnh báo hệ thống y tế mong manh của quốc gia này đã ‘vượt giới hạn’. Khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến người dân phẫn nộ biểu tình phản đối khắp nơi, hàng triệu người rời bỏ quê hương đi tha phương cầu thực… Thống kê cho biết khoảng 50% dân số Liban sống dưới mức nghèo đói, và 35% thất nghiệp.
Mất khả năng chi trả nợ quốc gia
Từ tháng 3/2020, quốc gia này đã tuyên bố mất khả năng thanh toán các khoản nợ của chính phủ – 92 tỷ USD, # 170% GDP – một trong số mức nợ cao nhất thế giới.
Đến tháng 5, họ đề xuất đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhắm tới gói trợ cấp theo kế hoạch giải cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không thể thực hiện vì dịch bệnh…
Theo The Guardian, người dân Liban đang đối diện với tương lai vô cùng đen tối. “Từ tháng 3, giá cả hàng hóa tăng gấp 3 lần, đồng nội tệ trượt giá đến 80%, phần lớn các hoạt động quốc gia bị đình trệ. Người dân Liban đang cố sống sót qua từng tháng. Các trung tâm thương mại trống rỗng. Nghèo đói tăng vọt khiến tội phạm, bạo loạn gia tăng khắp nơi” – The Guardian cho biết.
Cây bá hương ngạo nghễ đã ngã
Đất nước bất ổn, lại còn thường xuyên xung đột với láng giềng Syria và Israel; thêm nội chiến đẫm máu giữa các phe phái chính trị và tôn giáo (Hồi giáo dòng Sunni, Shia, Druze và Công giáo dòng Maronite) kéo dài suốt từ 1975 đến 1990 giết chết 120.000 người và hàng triệu người bỏ xứ lưu vong.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng đã tác động mạnh mẽ đến Liban, khiến quốc gia vốn nghèo đói này thêm khó khăn chồng chất. Sau cùng, vụ nổ xé toạc cảng Beirut hôm 4/8 có thể trở thành thảm họa đặt dấu chấm hết cho Liban – cây bá hương ngạo nghễ – viên ngọc của vùng Trung Đông này.
#tịnh Jnews
(Tổng hợp từ nhiều nguồn; Ảnh: GettyImages, ABC, The NY Times, The Toronto News)