Đá không cất lời
Jnewsvn.com – Người Nhật có thú chơi nhàn hạ bon-sai, cây khô, thủy thạch… Thủy thạch (水石 – Suiseki) là đá nhặt ở biển, thường có màu đen sậm, hình dáng đẹp đẽ, cổ quái…
Sự im lặng của đá
Người chơi đá nói vì đá ‘sống’ cả ngàn năm, có khi từ vách núi sát biển, bị sóng đánh ngày đêm, năm này qua năm khác, đời này qua đời nọ khiến chúng vỡ ra. Một phần tan vào biển, thành cát; một phần thành những tảng, những viên đá lì lợm được thủy triều tắm gội rồi bị vùi dập vẫn ‘trơ gan cùng tuế nguyệt’ và trở nên quý hiếm.
Có tảng được mua cả ngàn đô về chiêm ngắm, trầm ngâm, suy gẫm về cuộc đời và sức chịu đựng kiên trì của nó, của mình. Có người quả quyết đã nghe đá ‘tâm sự’, nhắc nhở “Hãy im lặng”…
Có người cũng nói đến sự im lặng của núi, của biển. Người mê sách thì ca tụng sự im lặng của sách. Bao chuyện vui buồn, phiêu lưu, gay cấn, ly kỳ, lãng mạn… đều nằm trong sách. Sách mở lòng, giãi bày tâm sự với người đọc. Đời sống càng vội vã, ồn ào… sự im lặng càng đáng quý, cần thiết. Con người thường không ân hận vì giữ im lặng, nhưng thường hối tiếc vì đã nóng nảy, lỡ lời.
Người nọ có tật phát ngôn bừa bãi và thường hối tiếc vì không thể kềm chế miệng lưỡi mình, bèn đi tìm thầy. Thầy dạy mỗi lần nói sai hãy đóng một chiếc đinh vào cái cây cạnh nhà. Ngày đầu tiên anh đã phải đóng tới vài chục chiếc đinh vào cây. Sang ngày thứ 2, thứ 3, 4, 5… anh bắt đầu tập giữ miệng, nên số đinh ngày một ít dần đi. Thầy tiếp: “Giờ ngày nào anh không nói bậy nữa, hãy nhổ bớt ra 1 chiếc đinh ra”. Một thời gian sau, cuối cùng số đinh trên thân cây cũng đã được nhổ sạch.
Thầy trò bày tiệc ăn mừng. Thầy khen rồi chỉ vào những lỗ đinh: “Tuy đinh đã nhổ, nhưng lỗ vẫn còn hoài. Những lời sai, lời xấu đã nói, dù có xin lỗi và được tha thứ, nhưng vết thương vẫn còn”.
Nhẫn nhịn là chịu dao đâm thấu vào tim…
Nhưng im lặng, không nói xấu người khác cũng không khó bằng nín nhịn khi bị người ta vu cáo, bôi lọ, sỉ nhục vô cớ. Hán tự của chữ nhịn là NHẪN (忍), chiết tự là mũi dao đâm thấu vào tim…
Kinh Thánh chép: “Lời nói bừa bãi khác nào nhát gươm đâm, nhưng lưỡi người khôn ngoan đem lại sự chữa lành” (Châm ngôn 12:18). Người khác có thể cho nhịn là nhục, là hèn yếu, nhưng thực chất người nín nhịn vì đại cuộc là người có nghị lực, có khí chất. Cái hung hăng của bậc thất phu, lỗ mãng không thể so bì với đức im lặng, nhường nhịn của bậc thượng trí. Điềm đạm, trầm tĩnh trong sự nín nhịn là cái dũng của thánh nhân. Kinh Thánh chép: “Người chậm giận thắng hơn dũng sĩ, và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành” (16:32); “Khi giữ im lặng, dù người ngu dại cũng được kể là khôn ngoan, người biết kềm chế môi miệng được xem là thông sáng” 17:28).
Lạn Tương Như nhịn nhục võ tướng Liêm Pha khi cả hai cùng phò vua nước Triệu. Thời này nước Tần lớn mạnh nhưng không dám gây hấn với Triệu vì Triệu có 2 người tài họ Lạn và Liêm.
Liêm Pha có tính ganh tị nên thường khiêu khích Lạn Tương Như, nhưng Lạn chọn tránh mặt Liêm. Có lần đang đi bỗng thấy Liêm từ xa, Lạn ra lệnh đánh xe vào hẻm, tránh mặt. Người hầu cận của Lạn bực tức, xấu hổ, cho rằng chủ hèn nhát. Mãi về sau họ mới hay Lạn Tương Như nhịn là vì quốc gia đại cuộc. Liêm Pha về sau lấy làm xấu hổ, ăn năn, đến xin Lạn Tương Như tha thứ tội kiêu ngạo, ngông cuồng; rồi hai người kết làm anh em cho đến lúc lâm chung.
Có câu: “Không biết nhịn việc nhỏ sẽ mất việc lớn”. Nội các Tổng thống Abraham Lincoln có ông Bộ trưởng Bộ chiến tranh Edwin M. Stanton vì bất đồng ý kiến mà thù ghét, nói xấu Lincoln; gọi ông là ‘mặt khỉ’. Ông Lincoln dù biết mình bị bôi nhọ vẫn im lặng, bỏ ngoài tai, vì với ông, gánh nặng quốc gia còn nặng nề hơn. Về sau khi Lincoln bị ám sát, Edwin Stanton hối hận, công nhận Abraham Lincoln đúng là một vĩ nhân: ‘Now he belongs to the ages’ – ‘Bây giờ ông ấy thuộc về các thời đại’
Sinh ra để chết
Kinh Thánh chép về đức nhịn nhục của một người tên Jesus – một Thần nhân – Con Đức Chúa Trời – một vĩ nhân với lai lịch lạ lùng: “Sanh bởi nữ đồng trinh Ma-ri”, sống vô tội nhưng chết như một người trọng tội mà không một lời kêu oan…
Tuy chỉ ở trần gian 33 năm, nhưng Đức Chúa Jesus đã ảnh hưởng rất lớn trên đất này với hàng tỷ người tôn thờ, gọi Ngài là Chúa. Lịch sử nhân loại chia đôi kể từ khi Chúa giáng sinh: trước và sau Công nguyên hay trước và sau Chúa sinh ra.
Tiên tri Ê-sai 53 sống cách nay 2800 năm tiên đoán về sự Giáng Sinh, sự chết và sự Phục Sinh của Chúa: Ngài chính là Đấng Mê-si-a hay Đấng Christ mà người Do Thái hằng mong. Nhiều người nghĩ Ngài bị Đức Chúa Trời sửa phạt. Nhưng “Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bệnh”. Ngài là Đấng Cứu chuộc, vì: “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy: Đức Chúa Trời đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người”
Nín nhịn vì đại cuộc, vì tình yêu lớn lao và chương trình cứu rỗi vĩ đại của Đức Chúa Trời, Chúa Jesus giữ im lặng, không một lời kêu oan trước những kẻ vu khống, hành hạ Ngài. “Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng” (Ê-sai 53:7)
Nhưng nhờ sự nín chịu, đổ huyết của Chúa Jesus mà chương trình cứu rỗi được thành tựu. Hàng tỷ người đã tin vào dòng huyết tình yêu này mà được xóa sạch tội lỗi, được xưng công chính trước mặt Đức Chúa Trời, trở thành con dân Ngài. Vĩ đại thay sự im lặng của Chiên Con!
Châu Sa
(Nguồn: VietChristian; Ảnh: Unsplash)