Thư từ Israel: Đã đến lúc ‘bình thường hóa’ quan hệ ở Núi Đền
Jnewsvn.com – ‘Bình thường hóa’ là từ thông dụng ở thời điểm này. Israel đang bình thường hóa những thứ đã bất thường quá lâu rồi…
Không phải ngẫu nhiên mà thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Nhà nước Israel và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) được gọi là ‘Hiệp định Áp-ra-ham’ – ‘cha của nhiều dân tộc’, cả Do Thái giáo và Hồi giáo – được cả hai tôn kính vì là tổ tiên của tôn giáo và dân tộc mình.
Cả người Do Thái và người Hồi giáo đều tin rằng Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời thử thách, kêu gọi hy sinh đứa con trai độc nhất của mình, dù các quan điểm khác nhau về danh tính của đứa con. Người Do Thái tất nhiên tin rằng Áp-ra-ham trói Y-sác trên Núi Đền (Temple Mount), nơi sau này trở thành địa điểm 2 ngôi nhà thờ lớn nhất của dân tộc Do Thái.
Ê-sai 56:7 tiên tri về Núi Đền trong tương lai: “sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.
Có lẽ cần thận trọng khi xem lời tiên tri này đã trở thành hiện thực bằng cách cho phép người Do Thái và người Hồi giáo cầu nguyện cùng nhau trên Núi Đền một cách hòa bình, hòa hợp, không bên nào chà đạp lên quyền và tự do của bên kia.
Thật không may, kể từ khi Israel chiếm lại Núi Đền vào năm 1967, người Do Thái đã không được thờ phượng trên địa điểm thiêng liêng này của mình vì lý do an ninh, vì các tổ chức Hồi giáo cực đoan vẫn tìm cách giết hại người Do Thái. Các nhà lãnh đạo Israel cũng không muốn gây ra các cuộc bạo động và giận dữ Hồi giáo trên toàn cầu, nên tuyên bố công khai rằng đây là vấn đề an ninh, việc đảo lộn trật tự hiện tại trên Núi Đền có thể kích động bạo lực.
Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thời đại chưa từng có. Israel vừa ký một thỏa thuận với các quốc gia vùng Vịnh, và được Ả-rập Xê-út và Bahrain cho phép đi lại, và họ còn dự kiến mở đại sứ quán đầu tiên tại Jerusalem của quốc gia Kosovo (Hồi giáo chiếm 90% dân số – Wikipedia).
Bức tường kỳ thị, bác bỏ của người Hồi giáo đối với nhà nước Do Thái và chủ quyền của người Do Thái trên quê hương bản địa và tổ tiên của họ đang dần bị phá bỏ từng viên gạch. Những xung đột trong quá khứ đang dần kết thúc, và những điều cấm kỵ chắc chắn đang bị phá bỏ.
Và ‘điều cấm kỵ’ lớn nhất, đó là người Do Thái được tự do đi lại, cầu nguyện trên Núi Đền cũng cần được giải quyết trong sự hòa thuận và thống nhất.
Khi phái đoàn từ UAE đến Israel vào ngày 22/9 sắp tới, có lẽ Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể mời các thành viên cao cấp nhất của họ cùng ông đến thăm Núi Đền, và cả hai đều có thể cầu nguyện cho sự thành công của hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực, mỗi người cầu nguyện theo tôn giáo riêng của họ.
Như một cử chỉ bổ sung, để đảm bảo cam kết lịch sử này, họ có thể mời Chủ tịch Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas cùng tham gia. Chắc chắn sự kiện này sẽ mở ra kỷ nguyên mới: hòa bình, bình đẳng – tất cả đều sẽ diễn ra trên Núi Đền – một cánh tay dang rộng khác, cũng để xem họ có thực sự sẵn sàng cho một nền hòa bình thịnh vượng mới hay không.
Các nhà lãnh đạo có thể sử dụng cơ hội này để khẳng định quyền của mọi cá nhân đều được cầu nguyện trên Núi Đền, và không can thiệp vào các kiến trúc, lịch sử hiện có.
Hy vọng tuyên bố này của các nhà lãnh đạo chính trị Ả-rập và Do Thái sẽ thay đổi cuộc chơi cho khu vực, đảm bảo thỏa thuận được ký kết bởi Israel và UAE thực sự xứng đáng với danh tiếng của vị tổ tiên Áp-ra-ham mà họ dùng để đặt tên.
Vậy là sau hàng nghìn năm, người Do Thái và người Hồi giáo sẽ không còn coi nhau là đối thủ hay kẻ thù nữa, mà là những người anh em họ hàng đã lạc mất từ lâu, họ sẽ đến với nhau trong tình huynh đệ ở nơi mà họ họ đều có ‘ông tổ’ chung rất nổi tiếng của mình: ‘Tổ phụ Áp-ra-ham’.
Đó sẽ là sự khép lại của vòng tròn, là thông điệp mạnh mẽ gửi tới cộng đồng quốc tế, rằng người Do Thái và người Hồi giáo không định chung sống trong xung đột, mà hòa hợp và bình đẳng!
Tiến sĩ Ali Rashid al Nuaimi, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, Nội vụ và Đối ngoại tại Hội đồng Quốc gia Liên bang của UAE cho biết, gần đây Thái tử Mohammed bin Zayed muốn đích thân đến thăm Jerusalem, rằng ông muốn tìm kiếm một “nền hòa bình toàn diện” – bao gồm tất cả các khía cạnh của hiệp định và hòa giải.
UAE tuyên bố công khai rằng người Do Thái có nguồn gốc lịch sử lâu đời trong khu vực và họ thuộc về nơi này – một sự thừa nhận mang ý nghĩa sâu sắc – được hỗ trợ trên ngọn núi thiêng liêng cho cả 2 dân tộc.
Những lời công bố đơn giản nhưng chứa chan hy vọng và đức tin của người dân có thể lấy lại quyền cầu nguyện của người Do Thái trên Núi Đền. Đã quá lâu rồi, kể từ khi những lời cầu nguyện của tất cả con cái Áp-ra-ham được nghe trên Núi Đền. Nơi đây đang quay ngược dòng lịch sử, trở về thời kỳ mà người Do Thái và Hồi giáo còn là một gia đình.
‘Bình thường hóa’ là từ thông dụng trong thời điểm này. Chúng tôi đang bình thường hóa những thứ đã bất thường quá lâu. Một trong số điều bất thường và khó hiểu nhất, đó là việc người Do Thái từ chối quyền cầu nguyện trên Núi Đền. Điều này phải thay đổi nếu một thỏa thuận giữa các con cái của Áp-ra-ham thực sự có ý nghĩa.
Đã đến lúc lời cầu nguyện của người Do Thái sẽ trở lại trên Núi Đền, bình thường hóa mọi quan hệ.
Tác giả: Nave Dromi – Nhà văn là nhà bình luận người Israel, Giám đốc văn phòng Israel ở Diễn đàn Trung Đông.
(Nguồn: Jerusalem Post; #tịnh lược dịch; Ảnh: kogonuso, GettyImage, The Times of Israel)