Chuyện lạ ở ‘bản nghiện’ Sìn Suối Hồ
Jnewsvn.com – Sin Suối Hồ những ngày cuối tháng hai, chỉ còn lác đác mấy cành đào nở muộn và một ít địa lan có tên ‘Trần Mộng’ sót lại sau Tết. Lê, mận, táo… mới bắt đầu điểm vài bông hoa trắng trên cành khẳng khiu, nhưng chẳng vì thế mà mất đi vẻ đẹp quanh năm – mỗi mùa một vẻ – vốn rất đặc trưng của nó.
Khoảng tháng 1-2 là mùa hoa đào hoa lan nở rộ. Tháng 5-6 khắp bản đầy mận, đào, lê. Tháng 9-10 lúa chín vàng ruộm trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn men theo sườn núi. Tháng 11-12 – mùa lạnh nhất – cũng là lúc hoa dã quỳ nhuộm vàng cả bản.
Nằm ngay dưới chân núi Sơn Bạc Mây (Phong Thổ, Lai Châu), cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 30km, Sin Suối Hồ ngày nay được công nhận là Bản du lịch Cộng đồng độc đáo, không rượu, không thuốc lá, không cờ bạc, không trộm cắp; nhà nào cũng tươm tất, sạch sẽ; trẻ con được học hành… Ấy thế mà cái bản nằm chênh vênh ở độ cao hơn 1.400 mét ấy từng là bản nghèo nhất huyện, thậm chí nhất tỉnh mấy chục năm về trước.
Sin Suối Hồ ngày ấy lạnh lẽo, khắc nghiệt, đến nỗi “nuôi gà gà chết, nuôi heo không lớn, trồng lúa chẳng chín” chỉ trồng toàn thuốc phiện.
Và bởi trồng thuốc phiện nên trai gái trong bản ai cũng nghiện. Một vòng luẩn quẩn như bóng ma cứ ám lấy, xui họ cứ trồng thuốc và chìm đắm trong hư ảo, chẳng còn tâm trí để nghĩ gì, làm gì. Cứ thế, nghiện ngập thêm nghiện ngập. Cái tên ‘bản nghiện’ ra đời và trở nên quen thuộc.
Sin Suối Hồ ngày ấy khiến người ta chỉ nghĩ tới nghiện ngập, nghèo đói, bệnh tật, chết chóc. Mỗi ngày vài ba người chết là thường tình. Vệ sinh cá nhân hay chăm sóc sức khỏe là chuyện xa xỉ. Một bộ quần áo có người mặc cả tuần. Sáng ngủ dậy chẳng đánh răng, thậm chí tiểu tiện cũng ngay sát vách nhà. Cuộc sống cứ thế trôi qua, từ cha ông đến con cháu…
Cho đến một ngày của gần 30 năm trước. Năm 1992, vài người trong bản vô tình bắt được sóng Đài Nguồn Sống – chương trình phát thanh Tin Lành bằng tiếng Hmong. Và như thế, Phúc Âm của Chúa đã đến bản làng. Như thể tìm được kho báu, cùng với sự sốt sắng của những người đầu tiên, ngày càng nhiều người tin nhận Chúa. Nhưng với đức tin đơn sơ, bản làng khi đó còn thông công (chia sẻ) với nhau những điếu thuốc phiện sau mỗi giờ thờ phượng, nghe Lời Chúa.
‘Tiếng lành đồn xa’, những cơn bắt bớ xảy đến, khốc liệt và tàn bạo. Nhưng chẳng vì thế mà dập tắt được niềm tin mạnh mẽ của người dân. Họ biết phải làm gì, và đâu là điều cần chọn lựa: “Thà chết chứ không bỏ Chúa”.
Có người rời bản, cũng có người tạm trốn. Nhưng Đạo Chúa vẫn cứ phát triển. Có khi Hội Thánh nhóm họp trong rừng, trên nương trên rẫy, mặc kệ đêm ngày, mưa nắng… Sự phấn khởi, hân hoan không chỉ ở Sin Suối Hồ mà còn lan đến cộng đồng Hmong lân cận, bởi ai nấy đềunnóng cháy rao truyền Tin Lành bằng nhiều cách khác nhau…
Bố của Mục sư Hảng A Xà – ông Hảng A Lùng – là người đầu tiên tin Chúa. Ngày đó Mục sư Xà (hiện Quản nhiệm HT Sin Suối Hồ) chưa đầy 20 tuổi đã được Chúa kêu gọi “đứng lên” – như Phi-e-rơ giữa vòng các môn đồ xưa – ông dần được tín nhiệm, trở thành thủ lĩnh thuộc linh, người đại diện, người phát ngôn cho cả bản mỗi khi có việc cần.
Mục sư Xà từng lặn lội sang tận Trung Quốc theo học các chương trình Kinh Thánh bằng tiếng Hmong rồi trở về dạy lại cho nhân sự suốt nhiều năm liền. Con cái Chúa được nuôi dưỡng tâm linh, Hội Thánh tăng trưởng, nhiều người được cứu, Lời Chúa được công bố và thực thi bằng tấm lòng đơn sơ, chân thành, một niềm tin quả quyết.
Sự biến đổi lạ lùng khởi đầu từ việc tra xem Kinh Thánh. Một nhận thức mới mẻ đến từ Lời Chúa: Tin nhận Chúa, trở thành ‘Dân Thánh’ thì không thể nghèo đói, lạc hậu, nghiện ngập nữa. Vì thế, việc đầu tiên là cai nghiện. Hàng trăm đợt cai nghiện bằng nhiều cách, muôn vàn khó khăn, nhưng cuối cùng họ đã thành công. Hết nghiện, bỏ trồng thuốc phiện, họ tìm cách khác làm kế sinh nhai.
Rồi dân bản quyết tâm đem Tin Lành “rao truyền khắp thế giới” như Ma-thi-ơ 28:19-20, nhưng… không biết tiếng, không tiền, không phương tiện đi lại… làm sao truyền giáo cho Myanmar, Thái Lan, Lào, Trung Quốc…? “Đoạn Kinh Thánh này có áp dụng cho người H’mong không? Sao có nhiều khó khăn đến thế?”.
Họ ngồi lại tra xem Kinh Thánh. “Rõ ràng Chúa không phân biệt ai. Kinh Thánh không dành cho riêng dân tộc nào”. Vì thế, họ tìm cách khác thực thi Đại mạng lệnh. “Không đi được thì phải làm sao để người khác đến đây nghe mình giảng Tin Lành!”.
“Con đường đất duy nhất vào bản quanh co, ngoằn ngoèo, lầy lội, trơn trượt, đi bộ phải xắn quần tới gối thì ai vào được?”. Ý tưởng phải làm đường lóe lên, họ gặp lãnh đạo địa phương nhờ hỗ trợ. Nhưng ngày ấy không ai tin ‘những người Hmong thất học’ có thể làm được. Chính quyền hứa khi nào đầy đủ cát đá sẽ hỗ trợ xi-măng. Trở về, ai nấy hớn hở ra suối tìm cát. Nhưng dân Sin Suối Hồ gặp trở ngại: suối trong bản không có cát!
Họ tiếp tục tra xem Kinh Thánh, và câu chuyện “5 cái bánh, 2 con cá” thôi thúc trong lòng. Ai có gì dâng nấy để làm đường. Chẳng bao lâu sau, hơn 5km đường bê tông sạch sẽ hoàn thiện bằng chính công sức, tấm lòng của người dân; một con đường thấm đẫm mồ hôi, nước mắt…
“Có đường rồi thì bản phải đẹp người ta mới đến”. Phải biến cái bản xấu xí này thành ‘vườn E-đen’ như trong Sáng Thế ký. Ban đầu, những người trong bản lên rừng tìm lan về trồng. Rồi nhà nào cũng trồng địa lan – ‘là thứ mana Trời ban cho Sin Suối Hồ’ – dần phủ kín cả bản.
Rồi người dân tiếp tục mở đường đến những nơi có cảnh quan của bản: núi Sơn Bạc Mây, thác Trái tim… Sin Suối Hồ được “quy hoạch” hẳn hoi với những ý tưởng từ Kinh Thánh! Nào ‘thác Trái tim’ tượng trưng cho tình yêu Thiên Chúa, nào ‘con đường cũ’ – đường thế gian – để nhắc họ quá khứ đã qua; rồi ‘đường gian khổ’ đất đá lởm chởm, tượng trưng cho cám dỗ, cạm bẫy… và nếu vượt qua, sẽ đến vườn địa lan xinh đẹp, tham dự chợ phiên với ý nghĩa về Tiệc cưới Chiên Con trong ngày Chúa trở lại…
Sin Suối Hồ nay còn có khu trưng bày mô hình nông cụ, khu trò chơi dân gian, các món ăn truyền thống như lợn gác bếp, gà bản, cải mèo… rất đặc trưng Hmong! Giữa bản có một cái chợ với 54 gian hàng tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam, chợ họp phiên mỗi thứ bảy hàng tuần, lúc nào cũng tấp nập kẻ bán người mua cùng các tiết mục hát Thánh ca, diễn kịch do chính các ‘tay ngang’ trong bản dàn dựng, biểu diễn; mộc mạc, chân tình, nhưng chính điều đó lại hấp dẫn người xem!
Ban đầu chợ phiên cách bản hơn chục cây số. Ai có gì góp nấy, heo gà góp heo gà, rau củ góp rau củ; rồi thì đồng hồ, bông tai, đôi dép, giỏ thổ cẩm, khăn, váy… góp lại đem bày ở chợ. Dạo nọ sau phiên chợ, có người buồn rười rượi vì con gà đem trưng bày bị khách… mua mất. Mục sư Xà an ủi: “Hy sinh vì Chúa, vì Sin Suối Hồ, chắc chắn Chúa sẽ ban phước!”.
Khi đã tạo được sức hút, họ dời chợ về bản. Rồi du khách cứ thế kéo đến, phát sinh nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi… Vì thế, Sìn Suối Hồ có gần 130 hộ, với 100 hộ tin Chúa, đồng lòng hưởng ứng ‘mô hình du lịch cộng đồng’ – mà kỳ thực, có mấy ai hiểu cho rõ chữ ‘du lịch’ nghĩa là gì. Có hộ làm ‘homestay’, hộ dệt vải, hộ làm quà lưu niệm, hộ làm dịch vụ xe ôm, hộ trồng hoa, hộ nuôi lợn, nuôi gà, nuôi cá… phục vụ du khách, nhưng trên tất cả, đó là làm sáng Danh Chúa theo những gì Chúa ban, tuỳ khả năng, sở thích mỗi người.
Một bản ở vùng biên giới bỗng dưng có nhiều du khách tìm đến, trong đó có người nước ngoài – thật không dễ dàng gì. Dân làng bắt đầu nghĩ cách “hợp thức hoá”, từ Hợp tác xã Trái tim tới công ty Du lịch miền núi, và vị Giám đốc được dân làng tin cậy không ai khác, chính là Mục sư Hảng A Xà!
Năm 2015, chính quyền địa phương đến, đem theo cái bảng… công nhận Sin Suối Hồ là “Bản du lịch cộng đồng”! Kể từ đó du khách được tự do lui tới; còn dân bản được khích lệ chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng mô hình về về sự biến đổi lạ lùng của Sin Suối Hồ.
Bị nhắc nhở “Không lo chăn bầy…”, Mục sư Hãng A Xà cười: “Ai đó chưa rõ mới nói thế, chứ khải tượng từ đầu của mình là làm mọi cách để thu hút người ta đến nghe Tin Lành!”.
Sin Suối Hồ cứ thế đón du khách từ nhiều quốc gia Âu, Mỹ, Á… Tin Lành, theo đó được ‘truyền khắp thế gian’ – như lòng người dân bản ao ước.
Từ những tấm lòng đơn sơ, Chúa đẹp ý, đáp lời, ban cho kết quả tốt đẹp. Chẳng ai có thể nghĩ về một sự thay đổi chóng mặt như thế. Chẳng ai ở Sin Suối Hồ nghĩ được rằng có một ngày bản lại trở thành địa điểm du lịch nườm nượp du khách. Ai nấy ngỡ ngàng về một bản người Hmong không rượu, không thuốc… Và rồi tròn mắt kinh ngạc khi Mục sư Xà áo vest, giày Tây, chia sẻ về sự biến đổi lạ lùng của bản kể từ khi Tin Lành đến.
Chúa sử dụng mỗi người mỗi cách khác nhau, trong những vai trò khác nhau. Tin cậy và vâng phục Chúa thì Ngài sẽ dùng, dù là ai, sắc tộc, sắc dân nào. Ai có thể ngờ ông Giám đốc công ty Du lịch Miền núi kiêm Giám đốc Hợp tác xã Trái tim từng học không quá lớp 5, đứng trước các du khách ‘học cao hiểu rộng’ chia sẻ kinh nghiệm quản lý, phát triển… Chẳng thể tin từng có một kế toán của bản lại… không biết chữ, đến nỗi cán bộ huyện gọi Sin Suối Hồ là “chuyện lạ Việt Nam”.
Nếu ai đó hỏi về sự biến đổi cộng đồng bởi Tin Lành, thì Sin Suối Hồ là minh chứng hùng hồn nhất. Có nhà nghiên cứu Xã hội học về Tôn giáo – Xã hội và dân tộc thiểu số nhận định: “Đạo Tin Lành phát triển, bên cạnh vài điều tích cực đã làm mất đi bản sắc văn hoá dân tộc”. Thế nhưng riêng Sin Suối Hồ, Đạo Tin Lành đã đem đến những thay đổi tích cực, giúp người dân làng đi các hủ tục trói chặt họ bao đời như tảo hôn, nghiện ngập, cờ bạc, thất học… Chưa hết, ‘khi học Kinh Thánh là người Hmong đang bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết – một khía cạnh quan trọng của văn hoá’. Như thế, sự biến đổi đó chính là điều cần được nhân rộng hơn sợ mất “bản sắc văn hoá”…
Tác giả nghe nói về Sin Suối Hồ đã lâu, thậm chí từng gọi điện thoại phỏng vấn Mục sư Hảng A Xà, nhưng rồi cũng có dịp đặt chân đến. Cảm tạ Chúa!
Ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến phong cảnh đẹp đẽ, càng xúc động hơn khi tận tai nghe Mục sư Hảng A Xà kể về quá trình ‘thay da đổi thịt’ của Sin Suối Hồ.
Chuyện về Sin Suối Hồ con nhiều lắm! Nhưng chỉ có thể nói mình không đủ chữ, đủ từ để ca ngợi những việc lạ lùng Chúa làm… Tóm lại nếu có dịp, bạn “Hãy đến xem!”
Hoàn Nguyện 4/3/2020
(Ảnh: Hoàn Nguyện, HA Travel, Baomoi, ttxvn)