Chết vì no
Jnewsvn.com – Trong truyện ngắn ‘Một bữa no’, nhà văn Nam Cao kể về cuộc đời một bà goá nghèo một hôm được bữa ăn chực nhà giàu. Vì đói quá bà đã ráng ăn thật no. Không ngờ đó cũng là bữa ăn cuối cùng trong đời bà.
Không ít người cũng vì miếng ăn mà tai tiếng. Đặc biệt họ ăn không phải vì đói, mà vì no, vì thừa mứa, xa hoa… để rồi chết cả bản thân, gia đình, sự nghiệp và danh dự.
Chuyện ‘ăn coi nồi, ngồi coi hướng’ không chỉ người Việt dạy con, mà hầu như xứ nào cũng có những câu chuyện răn dạy tương tự.
Trong Kinh Thánh càng không ít câu chuyện ‘chết vì ăn’, “lấy bụng mình làm Chúa mình” (Phi-líp 3:19); no nê xong không chết thuộc thể mà chết âm ĩ, từ từ, chết mòn, chết cả xác lẫn hồn linh.
Đó là tổ phụ A-đam, Ê-va cũng vì ăn trái cấm mà chết mất phần tâm linh – vĩnh viễn (Sáng thế 3:6) – để lại cho con cháu ‘di sản’ tội lỗi, bất tuân, khốn khổ triền miên suốt cả ‘kiếp người’.
Đó là dân Israel xưa trong đồng vắng lằm bằm vì đồ ăn, nước uống. Họ chê ỏng chê eo bánh ma-na của Chúa, đòi dưa hành củ kiệu, họ thà chết “khi còn ngồi kề nồi thịt và ăn bánh chán hê” (Xuất Ai-cập ký 16:3). Họ thèm thịt đến nỗi kêu khóc, oán trách Môi-se – gián tiếp oán trách Chúa. “Môi-se nói: Chiều này Đức Giê-hô-va sẽ phát thịt cho các ngươi ăn, rồi sáng mai bánh nhiều dư dật, vì Ngài đã nghe lời các ngươi oán trách Ngài rồi” (16:8). Và Chúa phán: “Lối chiều các ngươi sẽ ăn thịt; sáng mai sẽ ăn bánh no nê, và sẽ biết ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi” (16:12)
Chúa thương ban cho họ một cơn mưa chim cút: “Chim cút nhiều khoảng một thước chiều cao trên mặt đất và rộng khoảng một ngày đường dù bất cứ đi hướng nào. Ngày đó, đêm đó và cả hôm sau, dân chúng đi ra lượm chim cút. Mỗi người lượm được ít nhất sáu mươi thùng nên họ trải ra phơi quanh doanh trại”. Để thỏa cơn thèm, họ ăn nhiều đến nỗi thịt tràn ra lỗ mũi và ngã chết trên đồng vắng (Dân số ký 11:18-34)
Đó là tội của cả thành Sô-đôm “ăn uống no say dư dật, sống sung sướng mà không ra tay giúp đỡ kẻ bần cùng” (Ê-xê-chi-ên 16:49)
Đó là Ê-sau đi săn về đói quá, cũng vì một bữa ăn mà đem quyền trưởng nam đem bán, đánh đổi một tô canh phạn đậu; về sau có hối cũng không kịp (Sáng thế ký 25:33; Hê-bơ-rơ 12:16)
Sam-sôn cũng không ăn vì đói, mà để thể hiện, bởi kiêu ngạo bỏ qua lời răn dạy, ông lấy mật trong xác chết một con sư tử và ăn. Đó là món ăn ô uế và là điều cấm kỵ với một người Na-xi-rê (người được biệt riêng) như ông. Ông phạm tội và Thần của Chúa lìa ông, ông bị phó vào tay kẻ thù và chết trong đau đớn.
Đa-ni-ên và ba người bạn cũng vì chọn sự ăn uống thanh đạm mà được sự khôn ngoan, tôn trọng. Họ không ăn vì đói, không để hưởng thụ, thể hiện… Họ từ chối ăn thức ăn sang trọng của vua mà chọn ‘ăn rau, uống nước’ vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời mà họ thờ phượng, và nhận lãnh sự vinh quang, tôn trọng và phước hạnh từ Chúa…
Lời Chúa trong Châm ngôn dạy: “Hãy biết tự chế, nếu con có tính háu ăn” (23:2); “Những kẻ ăn uống quá độ sẽ trở nên nghèo túng” (c.21)
Thời Tân Ước, Kinh Thánh cũng đề cập những điều cấm kỵ trong ăn uống: cấm ăn của cúng thần tượng, huyết và thú vật chết ngạt (Công vụ 15:20,29).
“Hãy trở nên giống như Chúa Cứu thế Jesus, để khi mọi người nhìn thấy anh em là nhìn thấy Chúa trong đời sống mình” (Rô-ma 13:14). Phao-lô đã hệ thống và nâng lên tầm cao mới, đó là ăn gì, uống gì, miễn “đừng gây cớ vấp phạm cho anh em” (Rô-ma 14:21), “hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31)
Ăn uống là việc cá nhân và tự do. Tân Ước cho biết con người có quyền ăn bất cứ món gì mình muốn, nhưng không được làm người khác vì đó mà vấp phạm.
Ngày nay, trừ những nước quanh năm đối diện nạn đói khủng khiếp ở châu Phi, thì ở các nước đã và đang phát triển, đa phần người ta chết vì no, vì thừa mứa, vì rất nhiều bệnh tật do ăn uống mà ra. Có nhiều cái chết, nhưng chết vì ăn, chết vì no thì…
Hoàn Nguyện – Tịnh Văn
* Bữa ăn của trẻ em vùng cao. Đối với các em, một bữa ngon là bữa có cái gì đó để cho vào bụng (Ảnh: Hoàn Nguyện, VNExpress, Dansinh, Kenh14, Ngoisao, Youtube, VNmoi, Phunutoday)