ChatGPT và giáo dục Thần học
Jnewsvn.com – Tháng 11/2022, công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) OpenAI công bố ứng dụng ChatGPT – phần mềm có khả năng tương tác với người dùng một cách thông minh.
Khác với các ứng dụng tìm kiếm (search engines) mà con người quen thuộc lâu nay như Google, Yahoo, Bing… ChatGPT có khả năng trả lời các câu hỏi bằng cách lựa chọn dữ liệu, tổng hợp thành câu trả lời, chứ không chỉ dẫn họ đến các nguồn tài liệu trên Internet.
ChatGPT nhanh chóng thu hút sự chú ý không chỉ của giới chuyên môn về khoa học máy tính, mà còn của người dùng thông thường. Chỉ trong 2 tháng từ khi ra mắt, ChatGPT đã đạt mốc 100 triệu người đăng ký, nhanh hơn tất cả các ứng dụng mạng xã hội khác trong lịch sử Internet.
Ứng dụng Instagram cần 2,5 năm, và Tiktok cần 9 tháng mới đạt đến con số đó. Ảnh hưởng của ChatGPT lớn đến nỗi các ông lớn công nghệ như Google, Microsoft phải nhanh chóng công bố ứng dụng AI của mình. Microsoft đã cập nhật ứng dụng tìm kiếm Bing với quảng cáo: “Giới thiệu Bing mới: Hỏi câu hỏi cụ thể, nhận câu trả lời đầy đủ (Introducing the new Bing: Ask real questions, get complete answers).
Là cựu sinh viên chuyên ngành khoa học máy tính và kỹ sư phần mềm trước khi bước vào chức vụ, tôi rất tò mò về khả năng của ChatGPT, nên nhanh chóng đăng ký và bắt đầu tương tác với nó trong lĩnh vực Kinh Thánh, Thần học và Giáo dục Thần học. Dưới đây là tóm tắt trải nghiệm và nhận định của tôi về ChatGPT.
Tôi hỏi nó có cần vào trường Kinh Thánh trước khi dấn thân vào Mục vụ? Nó trả lời không, và cho biết dù theo học trường Kinh Thánh chính quy hữu ích cho việc hiểu sâu về Kinh Thánh và các nguyên tắc của Mục vụ. Tuy nhiên có bằng cấp trường Kinh Thánh không phải là yêu cầu của tất cả các Mục vụ. Câu trả lời hơi tổng quát nhưng cũng khá chính xác, nhất là ở hải ngoại.
Tôi yêu cầu ChatGPT cung cấp một chương trình giảng dạy của trường Kinh Thánh, lĩnh vực Mục vụ. Nó trả lời có 8 lĩnh vực: 1. Nghiên cứu Kinh Thánh (Biblical Studies); 2. Thần học (Theology); 3. Lịch sử Hội Thánh (Church History); 4. Mục vụ Chăn bầy (Pastoral Ministry); 5. Giảng (Homiletics); 6. Truyền giáo (Evangelism & Missions); 7. Đạo đức Cơ đốc (Christian Ethics); 8. Tăng trưởng tâm linh (Spiritual Formation).
Rất tốt! Tôi hỏi lĩnh vực nào quan trọng nhất, nó nói không có ý kiến cá nhân, và thêm rằng mỗi lĩnh vực có tầm quan trọng khác nhau cho các Mục vụ cụ thể nào đó. Rất tốt!
Tôi nhận ra khi được yêu cầu trả lời rõ ràng về một Tín lý, ChatGPT bèn thoái thác: “Tôi là một mô hình ngôn ngữ trí tuệ nhân tạo, tôi không có niềm tin hoặc ý kiến cá nhân” (“As an AI language model, I don’t have personal beliefs or opinions”). Tôi tiếp: “Bạn nghĩ gì về lời tuyên bố của Chúa Jesus trong Giăng 14:6?”. Nó giải nghĩa chính xác: “The way” là Con đường duy nhất dẫn đến Đức Chúa Trời, và nói đây là lời tuyên bố gây nhiều tranh luận trong lịch sử.
Điều lý thú khi tương tác với ChatGPT là khi tôi đặt 3 câu hỏi theo thứ tự:
1. Trận lụt thời Nô-ê là cục bộ (local) hay toàn cầu (global)? Nó đáp: Phụ thuộc vào quan điểm giải kinh và niềm tin của mỗi người; không có câu trả lời cụ thể.
2. Có phải trận lụt đó giết chết mọi người trên đất, trừ gia đình Nô-ê? Nó đáp: Đúng! Tôi tiếp:
3. Có phải trận lụt đó làm ngập cả thế giới (a global event). Nó đáp: Đúng!
Nó đã không nhất quán giữa câu trả lời 1 và 3. Và điều đáng ghi nhận:
+ Nhìn chung ChatGPT là công cụ tìm kiếm khá ấn tượng, với khả năng tổng hợp thông tin và đối thoại khá đầy đủ với người dùng. Tuy nhiên cho đến nay, các câu trả lời của nó khá tổng quát và đa chiều. Là công cụ AI với thuật toán tự học (deep machine learning algorithms), tôi nghĩ các câu trả lời của nó sẽ tốt hơn trong tương lai.
+ Dầu muốn hay không, ChatGPT và các ứng dụng AI là hiện thực cần được chấp nhận; cấm sinh viên sử dụng là bất khả thi. Thực tế lâu nay sinh viên vẫn nghiên cứu, tìm mọi thứ trên mạng. ChatGPT chỉ cung cấp thông tin một cách trực tiếp hơn mà thôi. Quan trọng là các trường Thần học phải dạy cho sinh viên mình cách thẩm định dữ liệu trên nền tảng Tín lý vững chắc.
+ ChatGPT có thể được dùng như công cụ trợ giúp thu thập thông tin trong bước đầu của quá trình nghiên cứu. Sinh viên nên thẩm định, chọn lọc thông tin dựa trên quan điểm Thần học của mình.
* Cảnh báo:
Việc ChatGPT cung cấp câu trả lời gọn gàng, tiện lợi là con dao 2 lưỡi. Nếu không có kỹ năng phản biện, sinh viên dễ sao chép toàn bộ thông tin vào bài mình. Hơn lúc nào hết, sinh viên cần xây dựng cho mình nền tảng Kinh Thánh và Thần học vững chắc. Trên nền tảng đó, họ có thể thẩm định thông tin từ các nguồn Internet, kể cả ChatGPT, đối chiếu với niềm tin của mình trước khi hình thành chính kiến. Cần nghiên cứu cách nghiêm túc, chuyên nghiệp từ các nguồn dữ liệu, tránh phụ thuộc vào các công cụ như ChatGPT làm việc thay mình.
+ Thông tin không biến đổi con người. Con người trở nên giống Chúa Jesus (Rô-ma 8:29; Cô-lô-se 3:10) là công việc của Đức Thánh Linh. Không công cụ nào có thể thay thế Đức Thánh Linh.
+ Sự ra đời của ChatGPT và các ứng dụng tương tự có thể là một thách thức cho các chương trình giáo dục Thần học mang tính cung cấp thông tin thuần túy. Các trường Thần học cần quay về với Lời Đức Chúa Trời, để đào luyện người hầu việc nhà Đức Chúa Trời một cách toàn diện: kiến thức, tấm lòng, kỹ năng dưới sự tể trị của Đức Thánh Linh.
Mục sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Tín, EdD
(Phó Viện trưởng, Giám đốc Học vụ Viện Thần học Tin Lành Việt Nam – Union University of California // Ảnh: Pixabay)