ChatGPT, cuộc cách mạng công nghệ thay đổi thế giới & Lời Chúa
Jnewsvn.com – ChatGPT – Chat Generative Pre-training Transformer – là công cụ AI tích hợp và tự động sáng tạo ‘siêu trí tuệ’ do OpenAI phát triển.
ChatGPT được giới công nghệ gọi là ‘siêu AI’ bởi khả năng trả lời câu hỏi, viết văn, dựng kịch bản, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác nhạc… theo ý người dùng từ một đầu vào là nguồn dữ liệu được cung cấp; có thể trả lời các câu hỏi trí tuệ, phức tạp theo nhiều phong cách khác nhau.
Người đứng sau thành công của ChatGPT là Samuel H. Altman (ảnh) – đồng sáng lập và CEO của OpenAI; sinh năm 1985, người Mỹ gốc Do Thái.
Các nhà sáng tạo cho biết đã có hơn 1 triệu người sử dụng ChatGPT trong tuần đầu tiên ra mắt – 30/11/2022.
* Trí tuệ nhân tạo & giáo dục:
ChatGPT sử dụng công nghệ AI tạo sinh, có khả năng ‘học’ từ kho dữ liệu và cho ra hầu như mọi loại nội dung tương tự và còn phát triển, sáng tạo hơn chỉ từ nguồn dữ liệu được cung cấp ban đầu.
“Đây là mô hình trí tuệ nhân tạo dựa trên bộ dữ liệu cung cấp. Bạn cung cấp ‘đầu vào’, và nó cho bạn ‘đầu ra’ – sản phẩm trí tuệ phái sinh đầy bất ngờ. Nó viết tiếp, làm tiếp điều bạn đã cung cấp. Bạn đặt câu hỏi – nó trả lời. Bạn yêu cầu – nó làm tiếp những gì bạn đang làm và còn làm tốt hơn, bất ngờ hơn” – Andrew Patel – nhà nghiên cứu AI Mỹ giải thích.
ChatGPT mô phỏng các cuộc đối thoại, trả lời câu hỏi, biết nhận lỗi và thậm chí thách thức các tiền đề sai, bác bỏ các yêu cầu không phù hợp. “Chưa có một cuộc cách mạng công nghệ nào gây áp lực có thể thay đổi cả hệ thống giáo dục quốc gia, cũng như triết lý giáo dục một cách toàn diện như trí tuệ nhân tạo” – Giáo sư Trương Nguyện Thành – giảng viên ĐH Utah, ĐH Hoa Sen và ĐH Văn Lang, cộng tác Viện Khoa học & Công nghệ tính toán TP.HCM cho biết.
* Công nghệ & Tôn giáo:
Mối quan hệ giữa công nghệ và tôn giáo không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Giáo sư Viện khoa học & tôn giáo Faraday, bà Beth Singler, cho biết việc tôn giáo kết hợp với công nghệ trải qua 3 giai đoạn: phủ nhận, chấp nhận và thích nghi.
“Ban đầu các tổ chức tôn giáo thường không chấp nhận công nghệ, nhưng dần công nghệ nhanh chóng trở thành một phần của tôn giáo” – bà Singler trả lời báo chí – và tiếp – “Những người có đức tin thường lo ngại yếu tố đạo đức đằng sau việc tạo ra những cỗ máy thông minh giống con người”.
Thật vậy, không ít người e ngại trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ góp phần thúc đẩy ‘ngày tận thế’ cho nhân loại. Nhà thần học người Mỹ James McGrath viết: “Nguy cơ AI muốn tìm cách thực thi tất cả các luật Kinh Thánh đến từng chi tiết thực sự gây cho chúng ta lo lắng!”.
Nhưng Mục sư Tiến sĩ Christopher Benek thuộc Hội Thánh Presbyterian Florida (Mỹ) lạc quan: “Con người hoàn toàn có thể ‘lập trình’ AI sống cùng với mình, làm thay mình nhiều thứ. AI là ‘tạo vật’ của con người, nó không có linh hồn; nhưng giả sử thậm chí nó có linh hồn, sự cứu rỗi của Chúa áp dụng cho tất cả các tạo vật! Và điều Cơ đốc nhân cần làm là điều khiển, khuyến khích chúng tham gia vào mục đích cứu chuộc của Chúa Jesus trên toàn thế giới!”.
* Điều con người thực sự cần
Thực tế dù bạn là ai, Cơ đốc nhân hay người ngoài Chúa cũng cần nhìn nhận rằng trí tuệ nhân tạo ngày càng hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu thế giới, hiểu chính mình.
Con người cần nhau, cần khoa học công nghệ để đáp ứng nhu cầu của đời sống ngày càng cao; nhưng con người càng cần Chúa Jesus nhiều hơn nữa để có thể đứng vững trước mọi thử thách, cám dỗ. Lời Chúa chép: “Vì ngoài Ta các con không làm gì được” (Giăng 15:5)
Vậy nên dù là ai, ở đâu, làm gì, sáng tạo, phát triển đến mức nào, con người cũng cần Đức Chúa Trời – Chúa của cả cõi vụ trụ này, Đấng sáng tạo trời đất, con người. Và trong mọi sự sáng tạo, con người cần đảm bảo những người nghèo khó, thành phần yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội không bị lãng quên, loại bỏ. Vì chính khi quan tâm đến những thành phần này, ta sẽ thêm nhận ra tình yêu và giá trị của con người dưới mắt Chúa.
Thảo Phạm
(Ảnh: Forbes, Mind Matters, SA Technologies Inc, Comm100, Botnation, WRC, Pixabay)