Mâu thuẫn/xung đột trong Hội Thánh nên được xử lý thế nào?
Jnewsvn.com – Hỏi: Mâu thuẫn/xung đột trong Hội Thánh nên được xử lý thế nào? Trả lời: Có nhiều lĩnh vực mâu thuẫn/xung đột trong các Hội Thánh. Tuy nhiên, hầu hết có khuynh hướng rơi vào 1 trong 3 phạm trù sau: mâu thuẫn do tội lỗi, mâu thuẫn với lãnh đạo và mâu thuẫn giữa các tín hữu. Có khi 2-3 vấn đề chồng chéo lên nhau.
Tín hữu phạm tội thường gây xung đột cho Hội Thánh (1 Cô-rinh-tô 5). Hội Thánh không giải quyết sẽ dẫn đến nhiều nan đề hơn. Hội Thánh không được kêu gọi để phán xét người chưa tin, nhưng được mong đợi phải đối diện, phục hồi các tín hữu không ăn năn các tội được kể trong 1 Cô-rinh-tô 5:11: gian dâm, tham lam, thờ hình tượng, chửi rủa, say sưa, trộm cướp… các cá nhân như thế không được chấp nhận cho tới khi họ ăn năn.
Ma-thi-ơ 18:15-17 cung ứng quy trình chính xác để đối diện và phục hồi tín hữu, nhưng nên được làm cách cẩn thận, khiêm nhường, mục đích phục hồi (Ga-la-ti 6:1), kỷ luật trong yêu thương.
Nhiều tín hữu không hài lòng với hành động, chính sách… của lãnh đạo. Một sự cố xảy ra trong lịch sử giáo hội minh họa điều này (Công Vụ 6:1-7). Một nhóm người trong Hội Thánh Jerusalem phàn nàn với các sứ đồ rằng vài người không được chăm sóc thỏa đáng. Tình huống đã được sửa chữa và Hội Thánh phát triển (Công Vụ 6:7).
Hội Thánh đầu tiên xem mâu thuẫn như cơ hội để cải tiến. Tuy nhiên, khi các Hội Thánh không có quy trình rõ ràng cho việc giải quyết xung đột, người ta có khuynh hướng tạo diễn đàn cho riêng họ. Các cá nhân bắt đầu thu hút sự chú ý của những người khác trong và ngoài Hội Thánh, dự phần vào việc ngồi lê đôi mách, thậm chí hình thành một khối những người “nhiệt liệt quan tâm” đến nan đề của Hội Thánh.
Lãnh đạo có thể tránh vấn đề này bằng cách trở thành người chăn bầy phục vụ, quên mình, yêu thương. Lãnh đạo nên là người phục vụ và làm gương hơn là các ông chủ, bà chủ, gây chia rẽ Hội Thánh để bảo vệ bản thân và chức vị của mình (1 Phi-e-rơ 5:1-3). Bởi vì lãnh đạo đã nhận trách nhiệm chăn dắt và bảo vệ bầy chiên của Chúa, thậm chí sẵn sàng chết để chiên được sống. Các thành viên Hội Thánh nên tôn kính lãnh đạo (Hê-bơ-rơ 13:7,17), chậm buộc tội (1 Ti-mô-thê 5:19), nói lẽ thật một cách yêu thương cho họ, đừng nói xấu (Ê-phê-sô 4:15).
Khi một người lãnh đạo không đáp ứng, không quan tâm, nên theo mô hình trong Ma-thi-ơ 18:15-17. Kinh Thánh cảnh cáo rằng con người và Hội Thánh có thể mâu thuẫn nhau. Một số phát sinh từ lòng kiêu ngạo, ích kỷ (Gia-cơ 4:1-10); một số do không tha thứ (Ma-thi-ơ 18:15-35). Đức Chúa Trời bảo chúng ta phải cố gắng để hòa bình (Rô-ma 12:18; Cô-lô-se 3:12-15). Trách nhiệm của mỗi tín hữu là cố tìm cách giải quyết mâu thuẫn.
- Phát triển thái độ, tấm lòng thích hợp, nhu mì (Ga-la-ti 6:1); khiêm nhường (Gia-ca 4:10); tha thứ (Ê-phê-sô 4:31,32) và nhẫn nại (Gia-cơ 1:19,20).
- Đánh giá phần mình trong mâu thuẫn đó. Ma-thi-ơ 7:1-5, Giăng 7:24 (gỡ ‘cây đà’ khỏi mắt mình trước trước khi giúp người).
- Hãy đến với cá nhân đó (chứ không phải người khác), nói lên mối bận tâm của bạn (Ma-thi-ơ 18:15) trong yêu thương (Ê-phê-sô 4:15) chứ không phải để ‘xả stress’, than phiền, lằm bằm, trút giận. Buộc tội thường khuyến khích tự vệ. Do vậy, hãy nói thẳng vào vấn đề, không công kích cá nhân. Cho người đó cơ hội để giãi bày khúc mắc, tìm kiếm sự tha thứ…
- Nếu nỗ lực đầu tiên không kết quả, hãy tìm một người trung gian (Ma-thi-ơ 18:16). Hãy nhớ, mục đích không phải để thắng; nhưng để kéo người anh em trong đức tin đến sự hòa giải. Do đó, hãy chọn một người có thể giúp giải quyết xung đột.
Hầu hết mâu thuẫn trong Hội Thánh có thể giải quyết nếu các nguyên tắc Kinh Thánh được tôn trọng. Tuy nhiên, có những lúc tâm vấn bên ngoài cũng có thể có ích. Nếu tranh chấp và xung đột Tín lý, Giáo lý, Thần học, Đức tin… thì nội bộ Hội Thánh có thể giải quyết; vì người thế gian họ không biết các phạm trù này. Sẽ rất chuẩn khi áp dụng 1 Cô-rinh-tô 6: “Khi trong anh em ai có sự nghịch cùng người khác, sao dám để cho kẻ không công bình đoán xét hơn là cho các thánh đồ?” (c.1); “Nhưng anh em kiện anh em, lại đem đến trước mặt kẻ chẳng tin! Thật vậy, anh em có sự kiện cáo nhau, là phải tội rồi” (c.6,7).
Nhưng khi Hội Thánh có xung đột về, tranh chấp về tổ chức, hành chính, chức vụ, quyền hạn, tài sản… có thể nghiên cứu Ma-thi-ơ 18: “Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại. Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn. Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội Thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy” (c.15-17). Trong trường hợp nếu không ai nghe ai nữa, ai cũng cho mình đúng thì chính quyền sở tại – vì lý do an ninh trật tự – chắc chắn sẽ vui mừng vì có cơ hội ‘xử’ con cái Chúa theo kiểu thế gian. Thực tế vương quốc, vương quyền thế tục là do chính Chúa lập nên và trao quyền (1,2 Các vua).
Tóm lại, mâu thuẫn sẽ được giải quyết tốt nhất khi các cá nhân đầy lòng cầu nguyện, khiêm cung tập chú vào Chúa, vào tình yêu thương, vào mục đích làm hòa, phục hồi các mối liên hệ. Đức Chúa Jesus dạy: “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy” (Ma-thi-ơ 18:35).
Jnews
(Nguồn tham khảo: gotquestions; Ảnh: hmcinvestuae; clystyle; fellowshipbiblechurch)