Dịch Cân Kinh – Môn ‘thể dục’ của ma quỷ
Thân thể chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời. Mỗi chúng ta cần có trách nhiệm gìn giữ cho tốt để hầu việc Chúa, tuy nhiên, cần cẩn trọng để không tạo cơ hội cho ma quỷ.
Một trong số phương cách giữ gìn sức khỏe, thể dục được nhiều người chọn, dù Kinh Thánh dạy: “Vì sự tập tành thân thể chẳng ích lợi bao lăm, còn như sự tin kính thì có ích cho mọi việc” (I Tim 4). Và sẽ nguy hiểm khi một số tín hữu chọn Dịch Cân Kinh – một cái bẫy của satan có thể kéo bạn đi xa khỏi Đức Chúa Trời và Lời Ngài.
* Nguồn gốc
Dịch Cân Kinh (Yin Gin Ching) hay “Đạt Ma Dịch Cân Kinh” (Da Mos Yin Gin Ching) xuất phát từ Đạt Ma Sư tổ. “Dịch” – dịch chuyển, “Cân” – gân cốt, và “Kinh” – bài học quý.
Tương truyền khoảng thế kỷ thứ 6, Đạt Ma Sư tổ từ Ấn Độ sang HongKong thuyết pháp rồi ở lại xây chùa Thiếu Lâm, tuyển mộ đệ tử theo học. Nhìn họ ốm yếu, xanh xao, ông bế môn, nghiên cứu ra Dịch Cân Kinh – các động tác khí công này là môn giao tiếp thân thể với satan. Nhiều con cái Chúa lầm tưởng đây là thể dục, nhưng nó thực chất là công cụ của ma quỷ nhằm chiếm hữu tâm trí, thể xác con người.
* Lan truyền nhờ… Kim Dung
Dịch Cân Kinh lan khắp Trung Quốc, HongKong, nhất là khi nhà văn Kim Dung viết tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ và được chuyển thể thành phim truyền hình, Dịch Cân Kinh trở nên nổi tiếng, nhiều người đua nhau tập, và còn được đưa vào giảng dạy tại các trường đại học.
Tại Việt Nam từ khoảng 1960 – 1975 đã có Dịch Cân Kinh, nhưng gần đây, môn này hồi phục, lan truyền rộng rãi hơn nhờ Internet. Nhưng đáng nói là nó bắt đầu tấn công vào cộng đồng Cơ đốc. Nhiều tín hữu rủ nhau tập “để tăng cường sức khỏe, chữa bệnh, sống lâu hầu việc Chúa”, không biết mình mắc mưu ma quỷ, tuyên truyền, làm lợi cho satan. Kinh Thánh chép có người “Vì lợi dơ bẩn mà lật đổ đức tin cả nhà người ta” (Tít 1:11), không biết rằng sức khỏe là do Chúa ban.
Cũng như Yoga, Thiền, Dịch Cân Kinh hứa hẹn đem lại sức khỏe. Tập lâu, con người “đạt độ mắt nhìn mà như không nhìn, đầu óc trống rỗng”… đó là lúc con người mở cửa tâm trí cho satan thâm nhập, chiếm hữu. Lâu dài, mắt thuộc linh sẽ bị mù, tai điếc, không muốn nghe, không muốn làm theo Lời Chúa nữa; tấm lòng trở nên cứng cỏi, chạy khỏi chỗ của Chúa đặt để cho mình, từ bỏ đường đua thuộc linh, “trật phần ân điển”, “bị ma quỷ bắt lấy làm theo ý nó”…
Các động tác của Dịch Cân Kinh – vốn được viết cho các đệ tử chùa Thiếu Lâm tập luyện.
* Xuất hồn, tương giao với thế giới linh
Có thể nói Dịch Cân Kinh, Thiền, Yoga tuy tên gọi và cách tập khác nhau, nhưng tựu trung nó là môn thể dục “giúp” con người tương giao với ma quỷ. Con cái Chúa, con cái của Sự Sáng “Hãy tỉnh ngộ, gỡ mình khỏi lưới rập của ma quỷ, đang tìm cách bắt sống để làm theo ý nó” (II Tim 2:26). “Lưới rập” là cái bẫy của ma quỷ, và “miếng mồi ngon” là sức khỏe.
Với động tác vẫy tay hàng trăm, hàng ngàn cái, con người sẽ “vẫy” trong vô thức, khiến ma quỷ có cơ hội bước vào tư tưởng. “Bấm ngón chân tạo điểm tựa để xoay vòng tròn, mắt không nhìn…”, thân thể quay cuồng, đầu óc trống rỗng – như “thuật luyện hồn” của các đạo sĩ – xuất thần bằng cách để thân thể xoay quanh 1 điểm suốt 2-3 tiếng, mục đích tìm kiếm và giao tiếp với thế giới linh, ma quỷ.
Sau cùng, Dịch Cân Kinh thường được khuyến khích tập vào sáng sớm, đó là thời gian dành cho Chúa. Thay vì gặp Chúa trước tiên lại “gặp” Dịch Cân Kinh.
Thân thể chúng ta là đền thờ của Chúa, hãy để thân thể tôn vinh Chúa, làm sáng danh Ngài, đừng để satan chiếm hữu. “Hãy chống cự nó, thì nó sẽ lánh xa anh em”; “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ, kẻo ngã” (I Côr 10:12).
—
Dr. Tan Duy Nguyen
(Jnewsvn.com edited)
Ảnh: Pinterest
* Ảnh đại diện: Đạt Ma Sư tổ – ông tổ của Thiếu Lâm và Dịch Cân Kinh