“Mẹ ơi, con xin lỗi…”
Jnewsvn.com – Tràn ngập mạng xã hội hôm nay là thông tin dồn dập về 39 người trẻ chết cứng trong container trên đường vượt biên sang Anh quốc, đổi cả mạng mình mong được “đổi đời” – có thông tin tất cả đều là người Việt, hoặc ít nhất trên 20 người Việt.
1. “MẸ ƠI, CON XIN LỖI…”
“Mẹ ơi con xin lỗi
Vì chuyến vượt biên không thành
Con chết vì không thể thở
Thương ba mẹ nhiều
Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi!
Vì sao tuổi trẻ nước tôi?
Những làng quê nghèo, hàng hàng lớp lớp người đi tha phương cầu thực
Cầm nhà, mượn nợ, bỏ tiền ra đánh cược rủi may
Ba mươi chín mạng người da vàng, máu đỏ, đầu đen
Người chết đã chết rồi, người sống ôi sao ngạt thở
Ba mươi chín mạng người
mạng xã hội thê lương…”
Những dòng tin nhắn cuối cùng của nạn nhân PTTM., 26 tuổi, trước khi mất liên lạc vĩnh viễn với gia đình.
2. “GIẤC MƠ THIÊN ĐƯỜNG MONG MANH…”
Đợt sang Úc, tôi nghe một bạn phóng viên truyền hình nói bạn ấy vừa thăm một nhà tù nữ ở Úc, có tới 50% phạm nhân là người Việt, đa số là tội trồng cần sa (có thể họ trồng, cũng có thể họ đứng ra gánh tội thay).
Người Việt di cư trái phép thường phải sống chui lủi, lén lút và làm những việc trái phép. Họ bị đánh đập, bị lạm dụng tình dục và có thể bị thủ tiêu. Nhiều người bị truy quét, bị bắt trả về VN, gánh thêm đống nợ từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Ngay cả khi cuộc vượt biên trót lọt cũng không chắc gì được “đổi đời”, sung sướng.
Người Việt gọi quê hương là “nơi chôn rau cắt rốn”, tức là máu, là thịt, là xương của họ. Có những dân tộc sẵn sàng chết vì đức tin, có dân tộc sẵn sàng chết vì tự do tư tưởng, còn nhiều người Việt – thật đau lòng – lại chọn chết vì miếng cơm manh áo, vì những cuộc vượt biên, di cư mong “đổi đời”…
Tôi đã gặp nhiều Việt Kiều thành đạt ở nước ngoài, nhưng vẫn đau đáu nỗi nhớ quê. Đó là chất Việt. Người Việt gọi di cư là tha hương, không giống các dân tộc khác.
Những tin tức dồn dập vừa qua, từ thuỷ ngân, bụi mịn, dầu thải trong nước máy… có liên quan gì tới 39 người chết đông lạnh như ướp thịt ướp cá kia không? Nỗi đau nhiều chục năm thuyền nhân, giờ thêm “phi cơ nhân” rồi “container nhân”, chấp nhận bỏ mạng mình vào canh bạc di cư nhiều rủi, ít may.
“Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Không đứa bé nào có thể lựa chọn ba mẹ khi sinh ra, không ai có thể lựa chọn kinh độ và vĩ độ cho tấm giấy chứng sinh của mình. Họ đành phải chọn nơi cấp giấy chứng tử.
Con cái sinh ra sao phải gánh trách nhiệm “đổi đời” cho bản thân, cho gia đình mình? Đã quá nhiều những cái chết trẻ, từ việc lấy chồng Đài Loan, tới du học và áp lực “lấy đại ai đó” để được định cư…
Dân Anh thắp nến tưởng niệm các nạn nhân.
Chị Jenny Lê Quế Phương viết: “Thường ngành ‘trồng cỏ’ (cần sa) ở Anh chuyên chọn người nhập cư trái phép vì cảnh sát không biết gì về họ, khó phát hiện, theo dõi. Nếu có ‘biến’ thì tất cả biến mất, theo cách nào tuỳ vào các ông chủ”.
Sau cùng, một trong những cái chết đau đớn nhất là chết đông lạnh từ từ, cảm giác như hàng ngàn mũi kim đâm thấu vào da, vào xương, lan đến nội tạng… Thường từ lúc hấp hối đến chết kéo dài 3-5 tiếng – những giây phút kinh hoàng.
Có người hỏi tại sao container có chở người mà lại để chi tới -25 độ? Vì các máy soi hồng ngoại theo dõi cảm biến thân nhiệt, nên những kẻ đưa người nhập cư trái phép phải để xe nhiệt độ như thế để tránh bị phát hiện.
Các tài xế chuyên nghiệp sẽ biết cách tắt hoặc giảm nhiệt độ lúc nào để người trong xe không chết. Nhưng tài xế Morris Robinson mới 25 tuổi, ít kinh nghiệm. Hay chính cậu ta cũng không biết chiếc xe cậu lái có tới 39 con người đang chết dần ngay phía sau lưng mình, và chắc chắn có cảnh đập thành xe, kêu gào trong tuyệt vọng?
Người Việt ở Anh hỗ trợ gia đình các nạn nhân nhận diện người mất.
3. CẦU NGUYỆN CHO VIỆT NAM
Tất cả vì họ chưa có Chúa hoặc chưa thực sự có Đức Chúa Trời toàn năng, Đấng yêu thương luôn cứu giúp, gìn giữ con cái Ngài.
Xin cầu nguyện cho gia đình, cho thân nhân họ, 39 con người chưa được đi trọn hết một đời người.
Xin đặc biệt cầu nguyện cho đất nước, cho người Việt được nhận biết Chúa, để được Ngài bảo vệ, được hướng dẫn, để không còn có những cuộc ra đi, những cuộc đánh đổi tang thương…
—
Thu Hà
Jnews edited
(Ảnh: vnexpress, facebook)