Tranh luận hay tranh cãi?
Jnewsvn.com – Những người không bị tổn thuơng sẽ không làm tổn thương người khác. Những người tràn đầy niềm vui sẽ đem niềm vui cho người khác. Những người đầy bình an sẽ đem bình an cho người khác. Nhưng những người bị tổn thuơng thường sẽ làm người khác tổn thương…
Văn hóa tranh luận
Không ít người, nhất là người nước ngoài nhận xét người Việt chúng ta không có văn hóa tranh luận. Họ nói thế không phải không có cơ sở, mong rằng chúng ta không tự ái. Vì họ thấy mỗi khi có một vấn đề nào đó cần tranh luận, thì đa số người Việt thường… cãi nhau. Ai cũng giành nói, giành phần đúng, phần thắng về phía mình, phủ nhận, chỉ trích, thậm chí chà đạp ý kiến của người khác, chỉ có ý mình là đúng, lời mình là chân lý!
Văn hóa tranh luận rất cần cho sự phát triển, trong bất kỳ tổ chức lớn nhỏ nào. Văn hóa tranh luận là gì bạn không cần phải học thuộc định nghĩa rồi áp dụng… Chỉ cần nhớ thế này: Khi muốn phủ nhận ý kiến, giải pháp của người khác, ta cần phải đưa ra cho được ý kiến, giải pháp vượt trội của riêng mình. Không cãi bừa, nói suông. Mục đích cuối cùng của cuộc tranh luận là đưa ra cho bằng được ý kiến, giải pháp tốt nhất, sao cho cuối cuộc tranh luận ai cũng ‘thắng’, ai cũng hài lòng, vấn đề được giải quyết, tổ chức đạt được kết quả tốt nhất.
Giả sử khi ta gặp một ai đó để giải quyết mâu thuẫn, trước tiên ta cần thú nhận một phần nan đề thuộc về mình. Sau đó, cần lắng nghe các tổn thuơng, nhu cầu, ý kiến, quan điểm của người khác. Chúng ta nghĩ mình tranh luận về ý tưởng. Nhưng thật sự chúng ta thường tranh luận về cảm xúc, cảm tính.
Chuyển sự tập trung vào người khác thay vì chính mình
Nếu muốn giao tiếp tốt với mọi người, chúng ta cần bắt đầu với nhu cầu của họ, nỗi đau của họ, lợi ích của họ. Nếu muốn trở thành người bán hàng giỏi, ta đừng bắt đầu với sản phẩm của mình, mà bắt đầu với nhu cầu, nỗi đau và sở thích của khách. Nếu muốn trở thành Giáo sư, Mục sư giỏi hoặc bất cứ nghề nào khác, chúng ta bắt đầu với những người có nhu cầu, sở thích và những nỗi khổ của họ.
Phúc Âm Tân Ước, sách Philippians/Phi-líp 2:4-5 chép: “Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa. Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có”.
Chúng ta thường bận rộn, quá bận rộn nói mà không lắng nghe ai, vì thế, ta càng ngày càng đi xa hơn…
Hãy cố gắng chuyển sự tập trung từ nhu cầu của mình sang nhu cầu của người khác. Giải quyết xung đột bắt đầu bằng cách nhìn vào hoàn cảnh. Từ “nhìn” trong Phi-líp chương 2, tiếng Hy-lạp là ‘Scopes’ – là kính hiển vi hay viễn vọng kính.
Ngoài ra, ‘Scopos’ có nghĩa là tập trung. Câu tiếp theo nói rằng thái độ của chúng ta nên giống thái độ của Đức Chúa Jesus. Ta sẽ giống Chúa Jesus khi ta tập trung vào ý kiến, nhu cầu, nỗi đau của người khác hơn là của chính mình.
Có câu tục ngữ cũ nói: “Cần tìm hiểu trước khi được hiểu”. Khi tập trung vào nhu cầu của người khác, không phải cho riêng mình, ta có thể hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của người đối diện, từ đó mới có thể giải quyết xung đột.
Mục sư Rick Warren
(Nhã Ca lược dịch; Nguồn: VietChristian)