Anh: Một phụ nữ bị bắt vì cầu nguyện trên đường phố
Jnewsvn.com – Hơn 34.000 người đã ký đơn thỉnh nguyện sau khi một phụ nữ bị bắt trên đường phố Anh khi đang thầm nguyện trên đường phố.
Cô Isabel Vaughan-Spruce, 45 tuổi, đang lặng lẽ cầu nguyện trên vỉa hè ở Birmingham thì bị cảnh sát tiếp cận, thẩm vấn và bắt giữ. Cảnh sát cho biết họ nhận được lời trình báo, phàn nàn rằng có một người đang cầu nguyện trên đường.
Nhiều người đã kiến nghị, kêu gọi Bộ trưởng Nội vụ Anh – Suella Braverman phải “can thiệp, hủy bỏ mọi cáo buộc chống lại cô Isabel Vaughan-Spruce”.
Trong một video ghi lại cuộc trao đổi giữa cô Vaughan-Spruce và cảnh sát, (được xem và chia sẻ hàng triệu lượt trên Twitter) cho thấy một cảnh sát hỏi: “Cô đứng đây làm gì?”; cô Vaughan-Spruce trả lời: “Tôi đang đứng đây thôi, và như các anh đã thấy”. Cảnh sát hỏi tiếp: “Cô có đang cầu nguyện không?”; cô Vaughan-Spruce đáp: “Vâng, tôi đang cầu nguyện thầm trong đầu”.
Và cô đã bị bắt vì “Không tuân thủ việc bảo vệ không gian nơi công cộng, phạm tội trong tư tưởng”.
Video “Một người phụ nữ cầu nguyện ở Anh và bị bắt” đã gây ‘bão mạng’, đa số phẫn nộ với nhiều bình luận: “Làm ơn cho tôi biết đây là clip giả mạo đi!?”; “Cảnh sát cần khẩn trương giải trình”; “Bị bắt vì đang cầu nguyện trong đầu ư? Ở Anh? Vào thời buổi này?!”…
Người dẫn chương trình truyền hình Calvin Robinson bức xúc: “Không ai có thể bị bắt vì cầu nguyện. Không ở Vương quốc Anh, không ở bất cứ nơi nào. Bất kể tôn giáo, lập trường của bạn là gì…”.
Người phát ngôn của Cảnh sát West Midlands cho biết: “Không chỉ một lần, cô Isabel Vaughan-Spruce từng bị cảnh báo đã cầu nguyện trước một cơ sở phá thai vào các ngày 6.12 và 15.12.2022 vì không tuân thủ Lệnh bảo vệ không gian nơi công cộng. Hiện cô ấy đã được bảo lãnh, nhưng phải có mặt tại Tòa án sơ thẩm Birmingham ngày 2.2.2023”.
Được biết, Luật pháp Anh cấm cầu nguyện nơi công cộng, cụ thể tại khu vực có các phòng khám/phá thai. Luật này đã bị chỉ trích bởi các tín hữu Cơ đốc và những người ủng hộ sự sống, chống lại việc phá thai.
Cô Vaughan-Spruce nói: “Thật sai khi tôi bị cảnh sát khám xét, bắt giữ, thẩm vấn và buộc tội chỉ vì cầu nguyện, thầm nguyện. Tôi đã bị quấy rối một cách bất hợp pháp. Tôi đang thực hiện quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tôi cần sự riêng tư của tâm trí. Không ai nên bị kết tội vì suy nghĩ hay cầu nguyện nơi công cộng”.
Cô Vaughan-Spruce đang được hỗ trợ bởi ADF UK – Tổ chức pháp lý bảo vệ đức tin ở Vương quốc Anh. Jeremiah Igunnubole, Cố vấn Pháp lý của tổ chức này cho biết: “Thật đáng kinh ngạc khi luật pháp đã trao cho chính quyền địa phương một cái quyền như thế. Làm sao mà suy nghĩ được coi là ‘sai trái’, dẫn đến vụ bắt bớ nhục nhã và buộc tội hình sự người ta như thế? Một nền dân chủ trưởng thành có thể phân biệt hành vi phạm tội và việc thực thi các quyền được hiến pháp bảo vệ. Cô Isabel – một phụ nữ tốt, đã phục vụ cộng đồng không mệt mỏi bằng các hỗ trợ từ thiện cho phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương – đã bị đối xử như một tội phạm bạo lực. Đây quả là một bước ngoặt cho đất nước chúng ta. Liệu ta có phải là một quốc gia dân chủ, từng cam kết thực thi quyền tự do ngôn luận?”
Được biệt, cô Vaughan-Spruce là Giám đốc của Tổ chức bảo vệ sự sống ở Anh – ‘UK March for Life’ – là Cơ đốc nhân và là tình nguyện viên chuyên hỗ trợ phụ nữ mang thai gặp khủng hoảng, muốn phá bỏ hậu quả”. Cô tiếp: “Đức tin của tôi cũng chính là con người tôi. Tôi thường đi bộ và dừng lại cầu nguyện ở các nơi phá thai – điều mà tôi đã làm mỗi tuần, suốt 20 năm qua. Tôi cầu nguyện cho những đã và đang chọn phá thai, xin Chúa thương xót ban cho họ giải pháp”.
Chính quyền địa phương nhiều năm nay đã áp đặt các ‘vùng đệm’ xung quanh các cơ sở khám phá thai, cũng như ra lệnh cấm cầu nguyện. Ngoài ra, các nghị sĩ Anh hiện đang xem xét Điều 9 của Dự luật Trật tự nơi công cộng, cấm các cá nhân, tổ chức ủng hộ sự sống ‘bén mảng’ quanh các cơ sở phá thai.
Cảnh sát Anh cho biết các hoạt động sau đây không được phép: “Biểu tình, giăng biểu ngữ, cầu nguyện, tư vấn hay bất kỳ hành động phản đối nào đối với các vấn đề liên quan đến các hoạt động phá thai”. Điều luật này đưa ra nhằm ngăn chặn các hoạt động “đã hoặc có khả năng ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, và cầu nguyện là một trong số hoạt động đó” – đại diện cảnh sát West Midlands và Hội đồng thành phố Birmingham cho biết.
Lời Chúa chép: “Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công nghĩa, vì vương quốc Thiên Đàng là của những kẻ ấy! Khi nào vì cớ Ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ vu cáo các ngươi, thì các ngươi được phước” (Ma-thi-ơ 5:10-11)
Tinh Văn lược dịch
(Nguồn: Faithwire I Ảnh: ADF UK, UK Daily News, MSN)