5 điều về Thiên Đàng theo Kinh Thánh Cơ đốc nhân nên biết
Jnewsvn.com – Có thể nói hầu hết con người đều muốn được lên Thiên Đàng sau khi qua đời, bất kể niềm tin của họ. Nhưng đối với con dân Chúa và theo Kinh Thánh, có 5 điều về Thiên Đàng mà Cơ đốc nhân cần biết:
1. Thiên Đàng không có biển?
Sứ đồ Giăng nói ông thấy trời mới, đất mới, và “biển cũng không còn nữa” (Khải huyển 21:1). Ồ! Vậy với những người thích tắm biển, bơi lặn, câu cá, chèo thuyền… điều này không phải tin vui?!
Trong Sáng thế ký, Đức Chúa Trời dựng nên trời, đất, biển, và Ngài thấy những “điều đó là tốt lành” (1:1-10). Vậy tại sao Thiên Đàng lại không có biển? Hay “biển” trong Khải huyền chỉ là hình bóng của gì điều khác hơn?
Ê-sai 57:20 chép: “Nhưng những kẻ ác giống như biển động, không yên tịnh được, nước động cuộn lên bùn lầy và cáu cặn”. Nên việc loại bỏ biển được hiểu là sẽ không còn ma quỷ, hỗn loạn… trong trời mới, đất mới?
Thử hình dung một vùng nước rộng lớn, đẹp đẽ, không có giông bão, sóng thần… giữa một thế giới không có sự hỗn loạn do ma quỷ, đó chẳng phải điều đáng để mong đợi sao?
2. Thiên Đàng không có việc, con người được nghỉ ngơi mãi mãi?
Hê-bơ-rơ 4:9-10 chép: “Ai vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời thì nghỉ công việc của mình”. Thiên Đàng, nơi ngự trị của Chúa, nơi yên nghỉ… Nghỉ ngơi thì tuyệt. Chẳng phải cuộc sống bận rộn, vất vả ở thế gian đã khiến nhiều người vẫn ước được nghỉ ngơi, thư giãn mãi sao? Không ít người hy vọng thay vì 5 ngày làm việc 2 ngày nghỉ, sẽ thành 2 ngày làm việc, 5 ngày nghỉ! Nhưng bạn nghĩ sao nếu ngày nào cũng là ngày nghỉ, suốt cả năm, suốt nhiều năm? Con người sẽ ra sao nếu sống mà không có việc gì để làm? Liệu họ sẽ rơi vào phiền muộn, buồn chán?
Nhưng nếu công việc là một trong số hình phạt của tội lỗi mà con người phải gánh chịu (Sáng thế 5:29), nên ở Thiên Đàng điều đó sẽ chấm dứt. Nhưng giả định này không đúng với cách nhìn của Kinh Thánh, bởi cũng trong sách Sáng thế ký, con người được tạo dựng để làm việc, được giao cai quản, trông nom trái đất mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng trước khi con người phạm tội (1:26; 2:15). Như vậy, công việc không phải là hậu quả của tội lỗi; nhưng tội lỗi khiến công việc trở nên lao khổ, nhọc nhằn.
Đức Chúa Jesus nói: “Cha Ta lúc nào cũng làm việc, và ta cũng vậy” (Giăng 15:7). Rõ ràng Đức Chúa Trời coi làm việc là quan trọng. Thế nên, khi ta được đảm bảo nhà của Chúa là nơi an nghỉ, không có nghĩa ta sẽ tồn tại cách vô nghĩa, nhàm chán. Thay vào đó, Thiên Đàng chắc chắn là nơi lý tưởng để làm việc, nơi dễ dàng làm theo ý muốn của Chúa, và công việc tràn ngập niềm vui, không có gánh nặng, khổ cực.
3. Múa hát ca ngợi Chúa suốt ngày?
Sách Khải huyền cho biết mọi người ở Thiên Đàng sẽ ca ngợi Chúa suốt ngày đêm (4:9; 5:9-14). Các nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ… có thể vui, nhưng liệu nhiều người trong chúng ta cảm thấy thế nào khi ca hát là hoạt động duy nhất trên Thiên Đàng?!
Nhưng sách Khải huyền nói chúng ta không chỉ sống trên Thiên Đàng với Đức Chúa Trời, mà còn cùng sống với rất nhiều người được cứu khắp các quốc gia, dân tộc… (7:9). Ta sẽ được trải nghiệm một cộng đồng tuyệt vời, sống động… trong thành của Chúa (21:24-27), thờ phượng Chúa cùng nhau (5:13), dự yến tiệc với Ngài (Ê-sai 25:6), cùng trị vì với Đấng Christ (Khải huyền 22:5). Như vậy, ca hát không phải là công việc duy nhất ta sẽ làm, nhưng là một phần của cộng đồng đầy hạnh phúc cùng làm việc với nhau.
4. Thiên Đàng trên mây?
Nhiều người vẫn hình dung Thiên Đàng ở… đâu đó trên những đám mây. Nhiều sách, phim… cho biết khi con người chết, linh hồn họ sẽ được lên trời. Nhưng I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17 cho biết những người theo Chúa Jesus còn lại trên đất lúc đó, đến ngày cuối sẽ được gặp Chúa giữa những đám mây khi Ngài đến, Kinh Thánh không nói con dân Chúa sẽ ở trên không trung mãi. Khải huyền 21:1-3 nói Chúa sẽ ngự trên đất này. Thành Thánh của Đức Chúa Trời sẽ từ trời giáng xuống trong trời mới đất mới, và những người được cứu sẽ ở đó với Ngài mãi mãi.
Quan niệm ‘Thiên Đàng ở trên trời’ cũng không phải cách nhìn của người Do Thái, nhưng nó gần giống với khái niệm của trường phái tư tưởng Plato cho rằng thế giới vật lý này thuộc về satan, và một ngày nào đó hồn của chúng ta sẽ thoát khỏi thế giới vật lý này.
Còn Kinh Thánh cho biết khi Đức Chúa Trời tạo dựng, thế giới rất tốt lành (Sáng thế 1:31). Nhưng nó đã bị phá hủy bởi tội lỗi, nhưng cuối cùng thế giới sẽ được khôi phục lại trong vinh hiển của Đức Chúa Trời. Không chỉ ta sẽ có thân thể mới (I Cô-rinh-tô 15), trời đất cũng sẽ mới (Sáng thế 21-22), và Đức Chúa Trời ngự giữa chúng ta.
Ngày nay, chúng ta vẫn có thể chiêm ngưỡng không ít vẻ đẹp ban đầu về của công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời vũ trụ, không gian, thiên nhiên… Thử tưởng tượng nó còn đẹp đẽ thế nào ở thế giới mới đầy vinh hiển Chúa.
5. Con người hoàn hảo, không còn gì mới lạ để khám phá?
I Cô-rinh-tô 13:12; Hê-bơ-rơ 12:23 cho biết đến cuối cùng, ta sẽ trở nên hoàn hảo, “biết trọn mọi điều”. Con người không còn gì mới để học hỏi nữa? Đây sẽ là tin buồn cho những ai thích học hỏi suốt đời, say mê kiến thức và những điều mới mẻ?
Có lẽ cụm từ “biết trọn mọi điều”, “được làm cho vẹn lành” không nên đánh đồng với sự trọn vẹn, toàn hảo của Chúa. Vì chúng ta vẫn là con người – tạo vật của Chúa – nghĩa là ta sẽ biết mọi thứ theo nghĩa tốt hơn, sâu hơn, nhưng không phải biết-hết-tất-cả. Con người sẽ phản chiếu hình ảnh của Chúa trọn vẹn hơn, tức sẽ không lầm lạc, bị cám dỗ phạm tội… nhưng sẽ không bao giờ là Đức Chúa Trời.
Ngoài ra, công việc của Chúa là bất tận. Nhà thơ Indonesia – Chairil Anwar – viết: “Tôi muốn sống thêm nghìn năm nữa”. Thật, cả ngàn năm vẫn là quá ngắn để khám phá, “hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của tình yêu thương của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 3:18). Chắc chắn chúng ta sẽ cần cả cõi đời đời để khám phá tất cả sự vĩ đại của Chúa.
Markus Boone
(Mục sư Thanh niên Hội Thánh Jakarta, Giám đốc trường Cơ đốc Indonesia; Cử nhân Thần học I Chuyển ngữ: Nguyệt Ánh I ODB Việt Nam I Ảnh: Pixabay, America Magazine)