Chết thử!
Jnewsvn.com – Bạn từng nghe ‘Sống thử’, vậy bạn đã nghe ‘Chết thử’ chưa? Năm 2012, ở Seoul, Hàn Quốc có Nhà Tang lễ nọ cung cấp một dịch vụ có một không hai: làm tang lễ cho người sống (Free funerals for the living)!
Nghe ghê sợ? Thế nhưng thật không ngờ, dịch vụ rất đắt khách, nhiều người hưởng ứng. Kể từ năm 2012 đến nay – 2021 – được biết đã có trên 25.000 người đăng ký ‘chết thử’.
Người có sáng kiến lập ra điều này cho biết ‘lấy cảm hứng’ từ số người tự tử ngày càng nhiều và ngày càng trẻ hóa vì áp lực học hành, công việc, sự nghiệp, gia đình… khiến họ cảm thấy sống quá mệt mỏi. Trong danh sách đăng ký cũng có không ít người cao tuổi cảm thấy không muốn sống thêm nữa vì quá chán ngán cuộc đời.
Thường, cái gì trong tầm tay người ta ít quan tâm, đến khi mất đi hoặc suýt mất mới thấy quý. Đời sống cũng vậy, nếu có cơ hội chết đi sống lại, người ta thường thấy được sống đã là quý giá. Nhiều người sau khi trải nghiệm việc ‘chết thử’ đã thay đổi cách nghĩ, cách sống…
Một buổi ‘chết thử’ thường kéo dài khoảng 3-4 tiếng. Một diễn giả sẽ thuyết trình về ý nghĩa cuộc đời và cái chết. Rồi mỗi người ‘tham gia chết’ mặc quần áo liệm, chụp hình lưu niệm… rồi bước tới cạnh quan tài của mình trong một hành lang đầy hoa, viết chúc thư, lời từ biệt gia đình, bạn bè…
Dưới ánh đèn mờ ảo, âm u, mỗi người tự bước vào chiếc quan tài của mình rồi nằm xuống… Một nhân viên giúp che mắt ‘người chết’ bằng tấm vải đen, rồi nắp quan tài được đậy lại…
Sau 10 phút, nắp quan tài mở ra. Mọi người được giúp đứng lên, ‘bước ra từ cõi chết’. Phần lớn người tham dự xúc động, nước mắt rưng rưng hoặc dàn dụa. Họ kể lại sau khi được ‘chết thử’, họ cảm thấy thấm thía về sự sống và cuộc đời hơn. Họ cảm thấy quý người thân, hơi thở, ánh sáng… Cảm thấy yêu thương người khác hơn, tha thứ dễ dàng hơn, bớt khó chịu, lỗi phải, chỉ trích… việc lớn thành ra nhỏ, chuyện nhỏ thì quên đi.
Ở London, Anh quốc, năm 2011, ông Jon Underwood có cái quán tên là ‘Cà phê tử thần’ (Death Cafe). Khách uống cà phê trò chuyện về… cái chết một cách thẳng thắn, can đảm. Quán được nhiều người thích, từ đó, nhiều Death Cafe được mở ra ở nhiều nước.
Chết khi đang sống cũng được nhiều triết nhân đề cập. Sách Truyền Đạo của vua Sa-lô-môn khuyên: “Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng” (7:2). Càng có tuổi, con người càng nhận ra đi đến ‘nhà quàn’ có phước hơn đến nhà hàng, đi đám tang có phước hơn đi dự tiệc. Đứng trước cái chết, chúng ta có thể ‘nhớ lại đời mình’, liên tưởng tới cuộc đời người khác. Và cái chết nhắc nhở ta về sự chóng vánh của đời người, và ta chỉ có một khoảng thời gian nhất định để sống và để yêu.
Điều đó có giúp chúng ta đánh giá lại những giá trị tạm thời như của cải vật chất. Và giá trị lâu dài, không hư nát của tinh thần, tâm linh?
Đức Chúa Jesus dạy: “Của cải dưới đất hay hư/ các con hãy nhớ đầu tư trên trời!” (Ma-thi-ơ 6:19-20)
Châu Sa
(Ảnh: Korea.net, Caymans, Reuters, Unsplash)